(HNMO) - Ngày 6-9, học sinh các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và học viên giáo dục thường xuyên trên địa bàn Hà Nội chính thức bước vào chương trình học tập năm học 2021-2022 theo hình thức trực tuyến. Rà soát, chung sức hỗ trợ tối đa để mọi học sinh, nhất là học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn có đủ thiết bị học trực tuyến là nhiệm vụ, cũng là giải pháp quan trọng hàng đầu của các nhà trường hiện nay.
Quan tâm học sinh đầu cấp
Trước diễn biến phức tạp và khó lường của dịch Covid-19, ngành Giáo dục Thủ đô xác định việc tổ chức dạy học trực tuyến là giải pháp cần thiết, phù hợp nhất để bảo đảm an toàn cho học sinh, đồng thời đạt mục tiêu hoàn thành chương trình đạt yêu cầu.
Chuẩn bị cho năm học 2021-2022, cùng với việc xây dựng phương án dạy học linh hoạt, các nhà trường đang khẩn trương chuẩn bị phương tiện để bảo đảm mọi học sinh đều có thể học trực tuyến ngay từ ngày đầu tiên của năm học, đặc biệt quan tâm đến học sinh đầu cấp.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạch Đà A (huyện Mê Linh) Lê Văn Long cho biết, mối quan tâm, ưu tiên hàng đầu của nhà trường là học sinh lớp 1. Nhà trường đã yêu cầu giáo viên chủ nhiệm các lớp 1 thông báo về kế hoạch học tập, trong đó lưu ý phụ huynh học sinh chuẩn bị sách vở, đồ dùng học tập và máy tính hoặc điện thoại thông minh để học trực tuyến. Nhà trường quyết tâm bảo đảm không để học sinh nào thiếu thiết bị mà gián đoạn việc học.
Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thành Công (quận Ba Đình) Nguyễn Ngọc Anh khẳng định, cô và trò nhà trường đã sẵn sàng cho năm học mới. Học sinh khối lớp 7, 8 và 9 của trường đã có đủ thiết bị và quen với hình thức học tập, kiểm tra, đánh giá trực tuyến. Thời điểm này, nhà trường tập trung rà soát điều kiện học tập của hơn 350 học sinh lớp 6. Giáo viên chủ nhiệm từng lớp đã họp với phụ huynh, hướng dẫn những nội dung cần chuẩn bị khi học trực tuyến, trong đó lưu ý máy tính vẫn là điều kiện tốt nhất, khó khăn thì có thể học qua điện thoại. Hiện nay, chưa có trường hợp nào phản ánh về việc thiếu thiết bị học trực tuyến. Từ nay tới trước ngày khai giảng, nhà trường tiếp tục tìm hiểu để kịp thời hỗ trợ, quyết tâm bảo đảm 100% học sinh đều học tập trực tuyến hiệu quả.
Còn theo ông Lê Việt Dương, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trương Định (quận Hoàng Mai), kinh nghiệm ứng phó với nhiều đợt dịch Covid-19 bùng phát trong hai năm học gần đây đã giúp nhà trường, gia đình học sinh quan tâm nhiều hơn đến việc đầu tư trang thiết bị dạy, học trực tuyến để sẵn sàng chuyển trạng thái dạy, học ngay khi có yêu cầu. Nhà trường đang tập trung rà soát điều kiện học tập trực tuyến đối với học sinh lớp 10, hướng dẫn cụ thể để phụ huynh mua đúng, đủ thiết bị, tránh lãng phí, đồng thời có kế hoạch huy động nguồn lực để hỗ trợ đối với các gia đình khó khăn.
Hỗ trợ học sinh khó khăn
Thực hiện chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về việc bảo đảm mọi học sinh đều có thiết bị học tập, không để em nào bị bỏ lại phía sau, các phòng giáo dục và đào tạo, các nhà trường dành sự quan tâm nhiều hơn tới học sinh ở địa bàn còn nhiều khó khăn.
Theo ông Phùng Ngọc Oanh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì, phòng đã phát động phong trào quyên góp trang thiết bị học tập trực tuyến để hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhất là đối với học sinh đầu cấp. Học sinh các khối lớp còn lại đã được thụ hưởng kết quả của phong trào này từ năm học 2020-2021, với hiệu quả tích cực, vừa kịp thời động viên học sinh, vừa lan tỏa tinh thần tương thân, tương ái. Đã có hơn 200 thiết bị gồm điện thoại thông minh, máy tính, ipad kịp thời được gửi tới những học sinh khó khăn. Các em được nhận hỗ trợ cũng đã tận dụng tối đa hiệu quả và bảo quản tốt thiết bị để tiếp tục học tập trong năm học này.
Còn theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mê Linh Nguyễn Văn Hậu, các nhà trường trên địa bàn đã phát động trong cán bộ, giáo viên, nhân viên và các lực lượng xã hội ủng hộ thiết bị cho học sinh học trực tuyến. Học sinh học ở các trường học thuộc hai xã Vạn Yên và Chu Phan - địa bàn khó khăn nhất của huyện cũng đã được hỗ trợ trang thiết bị đợt một vào năm học 2020-2021 và đang tiếp tục rà soát để hỗ trợ bổ sung, bảo đảm cho 40.000 học sinh của 49 trường tiểu học, trung học cơ sở thuộc huyện đều có thiết bị học tập trước ngày khai giảng.
Nhằm chia sẻ với các trường học ở địa bàn khó khăn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình Lê Đức Thuận cho hay, đã huy động các trường học quyên góp thiết bị dạy học trực tuyến như máy tính, máy chiếu và nhiều đồ dùng khác gồm quạt trần, bàn ghế, sách, truyện, bút… Toàn bộ số thiết bị này sẽ sớm được gửi tới các trường học khó khăn của huyện Ba Vì.
Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội Trần Thị Thu Hà cho biết, phát huy kết quả đạt được của chương trình “Máy tính cho em” của năm học trước, năm học 2021-2022, Công đoàn ngành tiếp tục triển khai chương trình này, nhằm hỗ trợ cho học sinh thiếu thiết bị học tập, ưu tiên cho học sinh cuối cấp.
Đồng thời, Công đoàn ngành Giáo dục duy trì cuộc vận động hỗ trợ giáo dục miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nhằm phát huy tinh thần tương thân, tương ái; rà soát, hỗ trợ cho những học sinh là con các gia đình bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19, tuyệt đối không để có học sinh thiếu ăn, thiếu mặc, giúp các em được tham gia đầy đủ các hình thức học tập, không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến đánh giá, năm học 2020-2021, Sở đã tham mưu UBND thành phố kịp thời triển khai việc dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình, nhằm giúp học sinh tạm dừng đến trường, không dừng học. Các chương trình học đã thu hút gần 100% học sinh tham gia, góp phần duy trì nền nếp, chất lượng giáo dục. Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội đã phát động chương trình “Máy tính cho em”, huy động được hơn 2.000 máy tính, điện thoại thông minh, kịp thời hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn thiếu thiết bị học tập. Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, toàn ngành xác định việc dạy và học trực tuyến vẫn là phương thức khả thi, bảo đảm tiến độ và chất lượng chương trình năm học 2021-2022. Căn cứ tình hình thực tế, Sở dự kiến tham mưu với UBND thành phố tiếp tục tổ chức dạy học trên truyền hình cho học sinh từ lớp 3 đến lớp 12.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.