Cô giáo cháu nói rằng, sang năm 2013 cháu đủ 14 tuổi thì được cấp giấy Chứng minh nhân dân. Đề nghị Quý báo cho biết, đây là loại giấy tờ gì; những ai được cấp? Cháu có tính hay quên, nên thường đánh mất sách vở và các vật dụng khác, nếu chẳng may bị mất Chứng minh nhân dân thì cháu phải làm như thế nào để được cấp lại? Nguyễn Văn Khải (Huyện Quốc Oai, Hà Nội)
Cô giáo cháu nói rằng, sang năm 2013 cháu đủ 14 tuổi thì được cấp giấy Chứng minh nhân dân. Đề nghị Quý báo cho biết, đây là loại giấy tờ gì; những ai được cấp? Cháu có tính hay quên, nên thường đánh mất sách vở và các vật dụng khác, nếu chẳng may bị mất Chứng minh nhân dân thì cháu phải làm như thế nào để được cấp lại?
Nguyễn Văn Khải (Huyện Quốc Oai, Hà Nội)
Luật gia Hoàng Xuân Hiến, (ĐT: 0983351928; email: hoangxuanhienqo @gmail.com) trả lời:
l Điều 1 Nghị định số 05/1999/NĐ-CP ngày 3-2-1999 (gọi tắt là Nghị định số 05) quy định: Chứng minh nhân dân là một loại giấy tờ tùy thân của công dân do cơ quan công an có thẩm quyền chứng nhận về những đặc điểm riêng và nội dung cơ bản của mỗi công dân trong độ tuổi do pháp luật quy định, nhằm bảo đảm thuận tiện việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân trong đi lại và thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.
Tại Điều 3 của Nghị định số 05 quy định về đối tượng được cấp Chứng minh nhân dân như sau: Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên, đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam (sau đây gọi tắt là công dân) có nghĩa vụ đến cơ quan công an nơi đăng ký hộ khẩu thường trú làm thủ tục cấp Chứng minh nhân dân theo quy định của nghị định này (mỗi công dân chỉ được cấp một Chứng minh nhân dân và có một số Chứng minh nhân dân riêng).
Theo Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 05, trường hợp bị mất Chứng minh nhân dân thì phải làm thủ tục cấp lại. Điểm c khoản 2 mục II Thông tư số 04/1999/TT-BCA/C13 ngày 29-4-1999, hướng dẫn một số quy định của Nghị định số 05 của Chính phủ về Chứng minh nhân dân có quy định về thủ tục cấp lại Chứng minh nhân dân, cụ thể như sau:
- Đơn trình bày rõ lý do đổi Chứng minh nhân dân hoặc cấp lại, có xác nhận của công an phường, xã, thị trấn nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, ảnh dán vào đơn và đóng dấu giáp lai;
- Xuất trình hộ khẩu thường trú (sổ hộ khẩu gia đình hoặc giấy Chứng nhận nhân khẩu tập thể). Ở những địa phương chưa cấp hai loại sổ hộ khẩu trên, công an nơi làm thủ tục cấp Chứng minh nhân dân căn cứ vào sổ đăng ký hộ khẩu, chứng nhận đăng ký hộ khẩu thường trú của công an xã, phường, thị trấn;
- Chụp ảnh (như trường hợp cấp mới);
- Kê khai tờ khai cấp Chứng minh nhân dân theo mẫu;
- Vân tay hai ngón trỏ có thể in vào tờ khai theo mẫu hoặc cơ quan công an thu vân tay hai ngón qua máy lấy vân tay tự động để in vào tờ khai và Chứng minh nhân dân;
- Nộp lệ phí.
Như vậy, theo các quy định nêu trên, nếu trường hợp cháu Nguyễn Văn Khải để mất Chứng minh nhân dân thì công an xã, phường nơi cháu đăng ký hộ khẩu thường trú sẽ xác nhận và đóng dấu giáp lai vào ảnh dán kèm đơn xin cấp lại Chứng minh nhân dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.