Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chứng khoán Việt Nam một năm nhìn lại: Đã qua thời u ám?

Thanh Nga| 05/01/2015 06:25

(HNM) - Những phiên giao dịch cuối cùng trong năm 2014 của thị trường chứng khoán đã qua đi. Không thể tăng quá cao như kỳ vọng của nhiều người, song những gì mà thị trường đã giành được năm qua không làm thất vọng giới đầu tư trong nước cũng như khối đầu tư ngoại...

Tăng rồi giảm, TTCK không thoát khỏi xu hướng chung mà bất cứ một thị trường nào cũng phải trải qua. Vốn được coi là bức tranh phản chiếu sức khỏe của nền kinh tế, TTCK luôn là một trong những kênh đầu tư hấp dẫn. 2-3 năm trở lại đây, TTCK thường xuyên rơi vào tình trạng ảm đạm, các chỉ số thi nhau giảm điểm, kéo VN-Index và HNX-Index rơi từ vùng nguy hiểm này đến vùng nguy hiểm khác. Thậm chí có những thời điểm người ta chán không muốn dùng từ "đáy" cho thị trường vì cả 2 chỉ số liên tục thiết lập đáy mới trước áp lực bán tháo cổ phiếu của giới đầu tư. Hàng trăm nhà đầu tư bỏ chạy khỏi thị trường bằng việc bán tháo cổ phiếu, chấp nhận thua lỗ hàng tỷ đồng.

Thị trường chứng khoán năm qua không làm thất vọng giới đầu tư trong nước cũng như khối ngoại.


Sau thời kỳ "đen tối" trên, nhiều người đã quay lưng lại với TTCK. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một thực tế, thị trường đã từng phát triển quá nóng, giá cổ phiếu tăng vô tội vạ mà không dựa vào kết quả kinh doanh, những người chơi cổ phiếu chủ yếu theo tâm lý đám đông, tìm mua cổ phiếu bằng mọi giá. Bởi vậy, cái giá phải trả cho việc đầu tư theo tâm lý đám đông chính là hàng nghìn nhà đầu tư bị thua lỗ và thị trường rơi vào thời kỳ giảm điểm là một thực tế khó tránh khỏi.

Sau những năm trượt dài trong "bóng tối", chỉ số VN-Index không thể thoát khỏi ngưỡng 400 điểm, năm 2014, niềm vui đã trở lại trên khuôn mặt của các nhà đầu tư. Không đến mức phi mã, song việc VN-Index chinh phục lại ngưỡng 600 điểm sau nhiều năm dài chờ đợi đã được coi là một trong những sự kiện quan trọng nhất của TTCK.

Một thành công nữa trên thị trường là sự trở lại của khối đầu tư ngoại, đặc biệt là các quỹ đầu tư. Với nhiều phiên mua ròng thay vì bán ròng, khối ngoại đã chứng tỏ sự mặn mà của họ dành cho TTCK Việt Nam thay vì thái độ thờ ơ của năm trước đó. Chính sự tham gia của khối nhà đầu tư ngoại giúp tính thanh khoản của thị trường luôn đạt mức cao trong suốt năm qua, không còn tình trạng èo uột hay lình xình của năm 2013, nhiều phiên đạt giá trị giao dịch 5.000-6.000 tỷ đồng. Không khí giao dịch trên các sàn chứng khoán sôi động hơn. Đã lâu rồi, chứng khoán lại được coi là một kênh đầu tư hấp dẫn đến như vậy.

Mặc dù ngưỡng 600 điểm không duy trì được lâu, vì ngay sau đó, VN-Index thêm một lần để tuột, nhưng con số 600 điểm không còn bị coi là kỳ vọng hay một mức điểm xa xỉ mà VN-Index không thể chạm tới. Theo các chuyên gia, những phiên giao dịch của tháng cuối cùng trong năm, thị trường đón nhận nhiều thông tin không tích cực, đặc biệt là việc giá dầu thô giảm mạnh nhất trong suốt nhiều năm trở lại đây, gây tác động tới lợi nhuận của những doanh nghiệp (DN) có liên quan đến mặt hàng này. Cùng với đó, con số nợ xấu vẫn còn cồng kềnh của hệ thống ngân hàng, nhiều ngân hàng thông báo lỗ, cũng như những DN lớn kinh doanh không mấy hiệu quả... đã khiến giới đầu tư phải lo ngại và phản ứng của họ là bán mạnh cổ phiếu, bất chấp giá cổ phiếu xuống thấp. Tuy nhiên, thị trường không rơi quá lâu, sau quãng thời gian ngắn sợ hãi, giới đầu tư đã kịp bình tâm bằng việc đẩy mạnh mua vào cổ phiếu, giúp thị trường có nhiều phiên tăng điểm.

Nhận định về TTCK năm 2015, nhiều chuyên gia cho rằng, cái đích 600 điểm đối với VN-Index không khó, có thể hơn thế. Là bức tranh phản chiếu sức khỏe của nền kinh tế, nên khi nền kinh tế đang hồi phục, TTCK không có lý do gì để bị mất điểm mạnh. Song, như những kênh đầu tư khác, thị trường không thể tăng một mạch mà vẫn sẽ có những phiên tăng, giảm đan xen. Những phiên giao dịch cuối năm 2014, trên thị trường đã xuất hiện dấu hiệu đầu cơ, nên thị trường có thể sẽ bị tình trạng tăng nhanh và giảm sâu. Nhưng, năm 2015 sẽ chứng kiến sự bứt phá của thị trường vì hàng loạt DN niêm yết tăng trưởng mạnh, đẩy giá cổ phiếu của những DN này tăng cao. Cùng với đó, sự phục hồi của hàng loạt nền kinh tế lớn trên thế giới tạo điều kiện cho các DN trong nước đẩy mạnh xuất khẩu, nhu cầu tiêu dùng tăng cao cũng được coi là những yếu tố quan trọng kích TTCK. Đó là chưa kể thị trường không còn phải cạnh tranh với vàng, hay bất động sản, ngoại tệ; vì giá vàng trong nước quá chông chênh với thế giới, bất động sản vẫn thừa nguồn cung trong khi thiếu cầu, ngoại tệ có xu hướng ổn định, nên chứng khoán sẽ được lựa chọn như một kênh ưu tiên với những nhà đầu tư.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chứng khoán Việt Nam một năm nhìn lại: Đã qua thời u ám?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.