Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chứng khoán tiếp tục lao dốc

Thủy Hương| 18/05/2011 12:53

(HNMO) - Kết thúc phiên giao dịch ngày 18/5, Vn-Index mất tiếp mốc 460 điểm khi giảm gần 10 điểm do nhà đầu tư tiếp tục đẩy mạnh bán ra sau khi đón nhận một số thông tin xấu.

Ngân hàng Nhà nước vừa đưa ra một thông điệp của bước đi tiếp theo nhằm thắt chặt tiền tệ hơn nữa thông qua việc tăng lãi suất trên thị trường mở thêm 1%. Như vậy, sau 2 lần điều chỉnh trong tháng 5 này, lãi suất OMO đã tăng 2% lên mức 15%. Quyết định nâng lãi suất OMO sẽ là yếu tố bất lợi cho thị trường chứng khoán. Trong khi đó thị trường chứng khoán tại Mỹ và châu Âu lại có thêm một phiên đi xuống. Đóng cửa phiên giao dịch hôm qua tại thị trường Mỹ chỉ số Dow Jones hạ 68,79 điểm (-0,55%), xuống 12.479,60 điểm; S&P 500 giảm 0,49 điểm (-0,04%), còn 1.328,98 điểm. Riêng chỉ số Nasdaq tăng nhẹ 0,90 điểm (+0,03%), lên 2.783,21 điểm. Tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 của Anh hạ 62,69 điểm (-1,06%), xuống 5.861 điểm; chỉ số DAX của Đức còn 7.256,65 điểm, giảm 1,77%.

Trước diễn biến trên, cộng với tâm lý chán nản khi đã chờ đợi sự hồi phục của thị trường quá lâu, tại thị trường Tp.HCM sáng nay, ngay ở đợt khớp lệnh xác định giá mở cửa, nhà đầu tư đã tung lệnh bán ra khá mạnh, Vn-Index rơi một mạch 6,43 điểm, tương đương 1,38%, tuột khỏi mốc 460 điểm, còn 457,92 điểm. Sang đợt khớp lệnh liên tục, tình hình còn xấu hơn khi lệnh bán ở nhóm cổ phiếu blue-chips được đưa ra nhiều, chỉ số chung mất tới 9,26 điểm (-1,99%), xuống mức 455,09 điểm. Đóng cửa phiên, Vn-Index đánh dấu phiên giảm điểm thứ 5 liên tiếp khi giảm 9,44 điểm, tương đương 2,03%, còn 454,91 điểm.

Thị trường chứng khoán giảm điểm
nhưng tính thanh khoản được cải thiện. Ảnh minh họa


Số cổ phiếu giảm giá không nhiều bằng phiên trước nhưng chỉ số chung giảm mạnh hơn do lệnh bán ra tại nhóm cổ phiếu blue-chips nhiều hơn. Đến cuối phiên thị trường trường ghi nhận 57 mã tăng giá trong khi số mã giảm giá là 159 mã, 6 3 mã giữ giá tham chiếu.

Cổ phiếu giảm giá chiếm áp đảo. Chỉ có DIG, PPC, PVF, VCB, VNM lên giá, với mức 100-1.000 đồng mỗi cổ phiếu. Trong khi đó CTG, DPM, DXG, FPT, HPG, ITA, KBV, KDC, REE, SAM, SJS, SSI giảm 100-1.500 đồng/cổ phiếu; đặc biệt là HAG, MSN, VIC, VPL giảm hết biên độ cho phép. EIB, OGC, STB đứng giá.

Mặc dù thị trường giảm sâu nhưng tín hiệu vui là tính thanh khoản tăng đáng kể so với phiên trước. Tính cả giao dịch thỏa thuận toàn thị trường có trên 28,517 triệu đơn vị được sang tay, tương ứng giá trị chuyển nhượng 537,481 tỷ đồng.

Trong bối cảnh hiện nay, tình hình lạm phát ở mức cao, lãi suất cao, nhiều doanh nhgiệp công bố kết quả kinh doanh quý I không khả quan, tâm lý nhà đầu tư chán nản. Tất cả điều trên đều không cho thấy khả năng thị trường chứng khoán sẽ phục hồi trong ngày một ngày hai.

Trên sàn Hà Nội, giảm tiếp 0,7 điểm (-0,88%), HNX-Index còn 78,86 điểm. Khối lượng giao dịch tăng so với phiên trước, đạt trên 28,672 triệu đơn vị, giá trị là 347,632 tỷ đồng.

Cùng chiều với hai sàn chính thức, đóng cửa phiên buổi sáng, UPCoM-Index dừng ở mức 33,78 điểm, hạ 0,11 điểm (-0,32%). Giao dịch tiếp tục èo uốt với chỉ 83.600 cổ phiếu được chuyển nhượng, giá trị là 701,770 triệu đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chứng khoán tiếp tục lao dốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.