(HNMO) - Cầm cự trong phiên buổi sáng nhưng đến phiên chiều nhà đầu tư dồn dập bán ra đã khiến cổ phiếu đua nhau giảm giá, trong đó nhiều mã giảm sàn, VN-Index sụt giảm gần 8 điểm.
Sàn TP HCM chìm trong sắc đỏ |
Tại sàn TP HCM, VN-Index giảm điểm trong hầu hết phiên giao dịch. Ở đợt khớp lệnh đầu tiên chỉ số chung của thị trường hạ 0,64 điểm, tương ứng 0,11%, xuống 590,93 điểm. Khối lượng giao dịch đạt trên 3 triệu cổ phiếu, tương ứng ngót 40 tỷ đồng.
Đến đợt khớp lệnh liên tục, lực cung khá mạnh khiến VN-Index không những duy trì giảm điểm mà mức giảm còn mạnh hơn, có lúc giảm gần 2 điểm. Tưởng như thị trường tiếp nối phiên đi xuống hôm qua thì chỉ còn khoảng 5 phút nữa là đến giờ nghỉ trưa VN-Index “xanh” trở lại nhờ sự lên giá của một số cổ phiếu lớn như GAS và REE cùng tăng 500 đồng/cổ phiếu, HAG ghi 900 đồng/cổ phiếu, VNM “đội’ 1.000 đồng/cổ phiếu, VCB ghi 300 đồng/cổ phiếu. Hết phiên giao dịch sáng, VN-Index nhích 0,7 điểm, lên 592,27 điểm; VN30-Index đạt mức 671,05 điểm sau khi tăng 0,62 điểm.
Thị trường diễn biến ở trạng thái “xanh vỏ đỏ lòng” bởi hôm nay rất nhiều cổ phiếu xuống giá, nghĩa là sức cung lấn át sức cầu (166 mã giảm, 55 mã tăng).
Sau một thời gian dài tăng điểm, nhóm cổ phiếu chứng khoán đã đi xuống: BSI và HCM cùng hạ 200 đồng/cổ phiếu, AGR giảm 300 đồng/cổ phiếu, SSI giữ giá ở mức 29.800 đồng/cổ phiếu.
Về thanh khoản, toàn thị trường có gần 80 triệu cổ phiếu và 1.249 tỷ đồng được giao dịch thành công. Lượng giao dịch trên thấp hơn so với những phiên sáng gần đây nhưng nhìn chung vẫn là mức khá.
Trong phiên cuối cùng của tháng 3, thị trường điều chỉnh nhưng tính chung cả quý 1 vẫn có mức tăng trưởng ấn tượng (VN-Index tăng xấp xỉ 20%, chỉ số HN-Index tăng hơn 34%). Nhà đầu tư kỳ vọng về các chuyển biến vĩ mô như mặt bằng lãi suất giảm, lạm phát thấp, cán cân thương mại xuất siêu, các gói tín dụng dành cho thị trường bất động sản hay các ngân hàng được giữ nguyên nhóm nợ, chưa phải trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ với các khoản vay được đánh giá là tốt sẽ giúp cho tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bớt khó khăn.
Theo BVSC, xu thế trung hạn của chỉ số VN-Index là tăng nhưng trong quá trình đi lên nhiều khả năng chỉ số sẽ phải trải qua một vài đợt rung lắc.
Bán ra cũng là xu hướng chính tại sàn Hà Nội. Chính vì vậy, do không được nâng đỡ từ cổ phiếu lớn, các chỉ số tại đây đều đi xuống: HNX-Index hạ 0,82 điểm xuống 88,62 điểm; HNXFF-Index còn 89,54 điểm, hạ 0,92 điểm; HNX30-Index mất 1,56 điểm xuống 182,44 điểm. Giao dịch ở mức trung bình với gần 60 triệu cổ phiếu và 660,123 tỷ đồng được chuyển nhượng.
Đến phiên buổi chiều, thị trường diễn biến hoàn toàn khác. Thay vì khá lình xình, khoảng từ 14h nhà đầu tư dồn dập chốt lời khiến cổ phiếu đua nhau giảm giá, đặc biệt là nhiều mã giảm hết biên độ cho phép. Không kể cổ phiếu lớn hay nhỏ mà lực bán dàn đều trên diện rộng. Tại bảng giao dịch điện tử, sắc đỏ gần như bao trùm khi có tới 229 mã xuống giá (56 mã giảm sàn), nhiều gấp hơn 7 lần số mã lên giá (32 mã). Ở nhóm cổ phiếu tính VN30, trong 30 mã chỉ có vỏn vẹn 3 mã là HAG, VCB và PGD tăng 300-800 đồng/cổ phiếu trong khi có tới 26 mã đi xuống, mã còn lại là VNM giữ giá tham chiếu.
Với lực cung hàng lớn, kết thúc phiên đầu tiên của tháng 4, VN-Index giảm 7,72 điểm (-1,31%), xuống 583,85 điểm; VN30-Index còn 660,13 điểm sau khi hạ 10,3 điểm.
Giao dịch phiên chiều khá sôi động, đưa tổng số chứng khoán được chuyển nhượng đạt 173 triệu đơn vị, tương ứng 2.831 tỷ đồng. ITA đạt khối lượng khủng với 21,2 triệu cổ phiếu được sang tay, dẫn đầu thị trường về thanh khoản.
Tại sàn Hà Nội, nhà đầu tư cũng đua nhau thực hiện hóa lợi nhuận, do đó cổ phiếu giảm giá chiếm áp đảo với chỉ 44 mã đi lên trong khi có tới 213 mã đi xuống. Tổng khối lượng giao dịch đạt 114,751 triệu cổ phiếu và 1.315 tỷ đồng.
Kết thúc phiên, HNX-Index giảm 2,95 điểm (-3,3%), xuống 86,49 điểm; HNXFF-Index về mức 87,47 điểm, hạ 2,99 điểm; HNX30-Index giảm tới 7,22 điểm (-3,92%), còn 176,78 điểm…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.