Trái ngược với thị trường Mỹ và châu Âu, các thị trường chứng khoán châu Á lấy lại được một phần động lực khi mở cửa phiên giao dịch ngày 21/5.
Chỉ số MSCI của chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) tăng 0,5%, sau khi giảm tới 3% trong ngày 18/5 (phiên cuối tuần trước), xuống mức thấp nhất trong năm nay. Tuần trước, chỉ số này có mức giảm theo tuần lớn nhất trong gần 8 tháng là khoảng 6%. Tuy nhiên, chứng khoán khu vực dù phục hồi song được nhận định là sẽ không thể tăng mạnh.
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 6,61 điểm, hay 0,08%, lên 8.617,92 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 19,15 điểm, hay 1,07%, lên 1.801,61 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hongkong giảm 49,85 điểm, hay 0,26%, xuống 18.902 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 0,94 điểm, xuống 2.343,58 điểm.
Tại cuộc họp cuối tuần trước, các nhà lãnh đạo G8 đã kêu gọi sự ủng hộ mạnh mẽ hơn của toàn cầu đối với các nền kinh tế ở Eurozone đang ngập trong nợ nần để các nền kinh tế này có thể giảm bớt các biện pháp khắc khổ và dành ưu tiên nhiều hơn cho việc kích thích tăng trưởng.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư được cho là họ sẽ vẫn tránh các tài sản rủi ro ít nhất là đến ngày 17/6, khi Hy Lạp bầu cử lại và cũng là thời điểm sẽ có câu trả lời về việc nước này ở lại hay rời khỏi Eurozone.
Cũng trong sáng 21/5, giá vàng trên thị trường châu Á tiếp tục đi lên, trước sự mạnh lên của đồng Euro sau khi các nhà lãnh đạo G8 cam kết khắc phục tình trạng khó khăn về tài chính hiện nay.
Vào lúc 0 giờ 35 phút (7 giờ 35 phút giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tại Singapore tăng 0,3% lên 1.595,99 USD/ounce. Trong tuần trước, kim loại quý này đã tăng 0,8%. Giá vàng kỳ hạn cũng tăng 0,3% lên 1.596 USD/ounce. Tại Hongkong, giá vàng tăng 4,12 USD lên 1.600,59 USD/ounce.
Theo giới phân tích, cam kết của nhóm G8 đang là nhân tố hỗ trợ giá vàng trong phiên đầu tuần này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.