(HNM) - Chiều 7-9, những gương mặt người viết trẻ từ mọi miền đất nước lần lượt hội tụ về ngôi nhà số 9 Nguyễn Đình Chiểu (Hội Nhà văn Việt Nam) làm thủ tục điểm danh. Tối cùng ngày hơn 100 đại biểu trẻ đã tham dự hội nghị trù bị tại biệt thự Hồ Tây (Hà Nội).
Hội hè, nghị luận... rồi cũng qua đi. Nhưng nỗi niềm sẻ chia cùng nhau quan trọng là có chưng cất lên thứ men say cho lao động nhọc nhằn và ý nghĩa này?
Trời vắng sao?
Các nhà thơ tại hội thảo “Thơ trẻ - dòng chảy và cuộc sống”. Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Bài phát biểu của nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam (từng là đại biểu hội nghị viết văn trẻ toàn quốc 30 năm trước) khái quát 3 đặc điểm văn trẻ thời gian qua: "Nhiều tràn đầy, nhưng còn ít sâu lắng; dàn đồng ca khá mạnh nhưng còn ít những giọng lĩnh xướng vang xa; thêu thùa cho cá nhân thì khéo, may cắt cho thiên hạ còn ít dụng công". Những nhận xét đầy màu sắc văn học này cho thấy văn trẻ đang ở trong giai đoạn "bộc lộ tiềm năng", nói cách khác là bước qua giai đoạn "xuất hiện", sắp sang giai đoạn "định hình". Hơn 100 cây bút đến dự hội nghị lần thứ VIII này cũng mang đến số lượng giải thưởng nhiều nhất so với các hội nghị trước. Nhưng giải thưởng mới chỉ là giải thưởng, nhất là trong bối cảnh lạm phát giải và bung nở nhiều vấn đề bức xúc của giải thưởng như hiện nay.
Người ta đặt ra câu hỏi, nhiều gương mặt lạ lẫm, nhiều cây bút chưa hề có tác phẩm trong đời sống, thậm chí có những cây bút xuất hiện ấn tượng rồi đột ngột vắng bóng như Nguyễn Thế Hoàng Linh. Và nhất là không có những thần đồng. Nếu đứng ở góc nhìn này mà làm giảm khí thế văn chương trẻ thì thật là thiếu sót. Một cách công bằng, trong cuộc khủng khoảng về diện "phủ sóng" của sách văn học hiện nay, vẫn còn những cây bút đến với văn chương trong sáng, chân thành, kiên trì như vậy là một điều đáng quý. Như Lương Việt Dũng (1980), Nguyễn Vũ Hưng (1985) với nhiều tác phẩm dịch; như Chu Thanh Hương (1986) với tiểu thuyết "Hoa bay" về đề tài chống tội phạm ma túy; như Đoàn Văn Mật, Nguyễn Quang Hưng, Trịnh Sơn… những gương mặt thơ góp phần làm nên sân thơ trẻ hằng năm. Và nếu đọc, lắng nghe cũng sẽ thấy lấp lánh những nhân tố mới, những cuộc bứt phá không ít nhọc nhằn, gặt hái được thành công. Kể từ "Biển xanh màu lá" ít nhiều có chất hồn nhiên, trong sáng đến "Sát thủ online" khá sâu sắc và nhạy cảm - cây bút áo lính Nguyễn Xuân Thủy như một lần lột xác, lớn lên.
Họ cũng là người có nhiều ý tưởng mới, dù biết có thể đối mặt với không ít thách thức như Miên Di (Lê Xuân Hòa) với phần II về "Dế mèn phiêu lưu ký" (bối cảnh hiện đại) đang trong thời gian xin phép sự đồng ý của nhà văn Tô Hoài. Và nhiều cây bút phê bình trẻ như Đoàn Ánh Dương, Đoàn Minh Tâm... đã và đang tham gia vào các sự kiện của đời sống văn học nước nhà.
Cất “men” say cho nghề
Bên cạnh tài năng "trời cho" và niềm say mê đủ sức tạo nên dấu ấn riêng của tác giả thì vấn đề bức xúc nhất hiện nay là tạo môi trường sáng tác lành mạnh cho nhà văn. Đây cũng là câu chuyện đáng bàn nhất từ sau hội nghị này, để cùng với nhà văn trẻ cất men say cho nghề viết. Cây bút Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, mỗi nhà văn cần phải trở thành một người thợ lặn giỏi để lặn sâu vào những mạch ngầm của đời sống. Nhưng rõ ràng, muốn làm được như vậy, người viết phải được tạo điều kiện cho những chuyến đi. Không đi, đọc, ngẫm thì tài năng đến mấy cũng khó có tác phẩm hay. Như liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý từng viết "Nếu tay run bút cùn mực không chảy/Thì bạn ơi hãy đứng dậy mà đi/Đi sâu trong cuộc sống đẹp diệu kỳ/Tìm ở đấy những hồn thơ rung cảm nhất". Cũng như vậy, giới thiệu, quảng bá tác phẩm, tạo sân chơi để bộc lộ tài năng cho nhà văn trẻ là một việc khác quan trọng không kém... Nhà thơ trẻ Nguyễn Quang Hưng đề xuất xây dựng một giải văn chương riêng dành cho tác giả trẻ; bình chọn và trao thưởng thường niên cho những ấn phẩm, chùm tác phẩm xuất sắc của các tác giả trẻ theo từng thể loại... Đặc biệt nhà thơ, nhà báo này cũng nêu rõ trong nhiều hoạt động tôn vinh trình diễn thơ văn, cần có thêm những trao đổi chuyên môn, rồi những chuyến đi thực tế, trại sáng tác riêng cho từng khu vực... Một cơ chế phối hợp giữa Hội Nhà văn Việt Nam, Ban Nhà văn trẻ và các địa phương là điều kiện cơ sở cho tất cả những mong mỏi trên của đại biểu này.
30 năm trước, những cây bút của nền văn học Việt Nam như Vũ Quần Phương, Xuân Quỳnh, Lê Lựu, Lâm Thị Mỹ Dạ, Hữu Thỉnh…cũng mới chỉ là những đại biểu của Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc. Một thế hệ vàng nữa cho văn học Việt Nam trong tương lai rõ ràng phụ thuộc vào cách chúng ta chăm lo cho họ. Nhà thơ Hữu Thỉnh cũng nói lên quan điểm của Hội nhà văn Việt Nam rằng: "Một nền văn học trưởng thành là một nền văn học cộng sinh những tài năng khác nhau. Chuyện áp đặt lớp trẻ phải viết theo khuôn thước của lớp trước là lo lắng không có căn cứ. Vấn đề là mỗi người phải trở thành một chủ thể độc đáo, một lĩnh xướng tài hoa của dấu ấn cá nhân". Mới đây, chương trình phối hợp giữa Bộ VH,TT&DL với UB toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam (2011-2015) vừa thông qua với 8 nội dung, trong đó có nội dung tổ chức trại sáng tác VHNT tại các địa phương; bồi dưỡng tài năng trẻ về VHNT nhất là ở khu vực đồng bào các dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo. Đặc biệt, dự thảo thông tư liên tịch giữa Bộ VH,TT&DL với Bộ Tài chính về "Hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình VHNT ở TƯ và các Hội VHNT địa phương giai đoạn 2011-2015" cho thấy những chính sách mới thuận lợi hơn cho người viết. Kinh phí cho hoạt động VHNT sẽ được dành cho cả ba khâu đi thực tế (cập nhật thông tin, mua tư liệu…), sáng tác, quảng bá tác phẩm.
Rõ ràng, một bầu không khí chung cởi mở, tôn trọng và kích thích sự sáng tạo của văn nghệ sĩ thực sự sẽ là yếu tố phát lộ và nuôi trồng, chăm chút những tài năng - một thứ men say cho người viết, nhất là người viết trẻ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.