(HNM) - Nhân tố quyết định đến năng lực điều hành của bộ máy chính quyền, chất lượng hoạt động của MTTQ và đoàn thể nhân dân chính là đội ngũ cán bộ. Để thực hiện được mục tiêu nâng cao năng lực điều hành của bộ máy chính quyền theo Nghị quyết ĐH lần thứ XV Đảng bộ TP Hà Nội đề ra, các quận, huyện, thị xã đang rà soát, đánh giá chất lượng cán bộ cơ sở, từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực cán bộ.
Trung tâm chính trị thị xã Sơn Tây, nơi đào tạo cán bộ cơ sở trên địa bàn. Ảnh: Thái Hiền |
Năng lực cán bộ - yếu tố quyết định
Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy) Nguyễn Quang Hồng luôn xác định, mọi nhiệm vụ chính trị chỉ hoàn thành tốt khi cán bộ thực thi có năng lực, nhiệt huyết, cộng với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Địa bàn rộng, 57 tổ dân phố, trên 30.000 dân, gần 900 đảng viên, trong đó hầu hết là cán bộ cao cấp, giảng viên đại học về hưu, nếu cán bộ phường không được đào tạo tử tế làm sao đủ tự tin trước dân. Nhận thức rất rõ điều này, cán bộ phường Dịch Vọng Hậu rất có ý thức học tập nâng cao trình độ chuyên môn và lý luận chính trị. Trong cấp ủy hiện nay có 13/15 đồng chí trình độ chuyên môn đại học và trên đại học (trong đó có 3 thạc sĩ), 2 người trình độ trung cấp, 100% cán bộ chủ chốt có trình độ cao cấp lý luận chính trị, cán bộ chuyên môn hầu hết đã qua trung cấp lý luận chính trị. Ông Hồng khẳng định, chính nhờ đội ngũ cán bộ vững về chuyên môn, nên ông đủ tự tin thực hiện cùng một lúc hai "vai" Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND phường. Và phường triển khai công việc khá trôi chảy, trong đó có nhiều việc khó như GPMB 14-15 dự án, quản lý đô thị, đất đai, giải quyết đơn thư, chăm lo sự nghiệp giáo dục, bảo đảm an ninh trật tự, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội… Dịch Vọng Hậu còn là đơn vị dẫn đầu nhiều phong trào của quận Cầu Giấy.
Có thể khẳng định, đến nay Hà Nội khá yên tâm về chất lượng cán bộ khối phường. Tuy nhiên, ở khối xã, thị trấn vẫn bộc lộ nhiều bất cập. Nhiều cán bộ, công chức cơ sở chưa được đào tạo bài bản, số chưa đạt chuẩn vẫn còn, chưa kể tình trạng đào tạo thiên lệch.
Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Nguyễn Văn Phong dẫn ví dụ, ở địa phương, trong hơn 530 cán bộ cấp xã chỉ 17 người được đào tạo chuyên ngành về nông nghiệp và đất đai, nhưng lại có tới 91 cán bộ có bằng chuyên ngành luật. Hơn 460 đồng chí tham gia cấp ủy các xã, thị trấn thì chưa đầy 50% có trình độ trung cấp lý luận chính trị. Trong khi hầu hết người dân đang sống phụ thuộc chủ yếu vào đồng ruộng, số cán bộ nông nghiệp quá ít, liệu có thể giúp người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập? Cán bộ chuyên ngành kiến trúc quy hoạch đếm trên đầu ngón tay, nhưng ở một xã thuần nông lại có 4 thanh tra xây dựng, chỉ làm nhiệm vụ phát hiện vụ việc, báo cáo cấp trên xử lý… là quá bất cập!
Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Văn Hải cũng cho biết, vì thiếu cán bộ chuyên ngành về nông nghiệp, đặc biệt là cán bộ được đào tạo cơ bản, có năng lực, nghiệp vụ nên hầu hết các xã của huyện gặp lúng túng khi triển khai xây dựng nông thôn mới.
Rà soát để bổ khuyết
Kết quả rà soát mới đây tại huyện Ba Vì cho thấy, trong 611 cán bộ xã, kể cả hợp đồng lao động (theo yêu cầu thì còn thiếu 53 người), tỷ lệ đạt chuẩn mới đạt 76,6%, còn lại 23,4% chưa đạt chuẩn. Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Ba Vì Chu Văn Đức cho biết, tới đây, huyện rà soát lại một lần nữa đối với đội ngũ cán bộ ngành, đoàn thể cơ sở, để có kế hoạch đào tạo, bổ khuyết cho cán bộ. Hiện tại, huyện đang phối hợp với các trường, học viện mở 1 lớp Trung cấp lý luận chính trị cho 109 học viên, 1 lớp đại học ngành quản lý xã hội cho 96 người và 1 lớp trung cấp tài chính ngân sách xã cho 92 cán bộ, lãnh đạo các xã. Thời gian tới, không chỉ mở tiếp các lớp trung cấp lý luận chính trị, đại học chuyên ngành phù hợp, huyện sẽ phối hợp với Trường Bồi dưỡng cán bộ của Bộ Xây dựng tập huấn cho cán bộ xã về xây dựng nông thôn mới, để ngoài xã Cổ Đô làm điểm sẽ có thêm 12 xã khác đạt chuẩn về nông thôn mới vào năm 2015 và những năm tiếp theo.
Tại huyện Thanh Trì, hiện nay, 100% cán bộ chủ chốt các xã đạt chuẩn, tuy vậy vẫn còn 22 cán bộ xã chưa qua đào tạo về chuyên môn và 55 người chưa qua đào tạo về lý luận chính trị. Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Vũ Văn Nhàn cho biết, ngay trong năm 2011, huyện tiếp tục cử cán bộ theo học các lớp do TƯ và TP tổ chức, đồng thời mở các lớp đào tạo kỹ năng nghiệp vụ tập trung bồi dưỡng kiến thức về xây dựng nông thôn mới cho 100 cán bộ, công chức xã.
Theo đánh giá thực trạng cán bộ cơ sở mới đây của UBND TP (phục vụ đề án xây dựng nông thôn mới TP Hà Nội giai đoạn 2010-2020, định hướng đến năm 2030), tại 19 huyện, thị xã có 6.133 cán bộ xã (cả cán bộ hợp đồng), tỷ lệ đạt chuẩn so với yêu cầu là 76,44%. Toàn TP còn thiếu 473 công chức xã. Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở trong thời gian tới, TP tiếp tục thực hiện chủ trương luân chuyển cán bộ tăng cường về cơ sở; đồng thời yêu cầu các xã thực hiện tốt công tác tạo nguồn, bồi dưỡng nguồn cán bộ tại chỗ, trong đó chú ý đến cán bộ trẻ, cán bộ nữ. Mặt khác, TP tiếp tục liên kết mở các lớp đào tạo trung cấp, đại học chuyên ngành để những cán bộ còn trong độ tuổi được đào tạo và chuẩn bị nguồn cho các năm sau… TP Hà Nội sẽ đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng để đội ngũ cán bộ cơ sở vừa có bản lĩnh chính trị vững vàng, vừa tinh thông về nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô trong tình hình mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.