(HNMO) - Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN lần thứ 4 (AEC 4), Hội nghị Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 42 (AEM 42) và các sự kiện liên quan sẽ diễn ra từ ngày 22 đến ngày 28/8/2010 tại Đà Nẵng.
Các Hội nghị AEC 4 và AEM 42 là các sự kiện thường niên, quan trọng nhất của các trụ cột kinh tế ASEAN trong năm 2010.
Theo Bộ Công thương, các hội nghị này có sự tham dự của 18 Bộ trưởng Kinh tế, gồm Bộ trưởng Kinh tế các nước ASEAN và 8 nước đối tác (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Newzeland, Ấn Độ, EU, Nga). Ngoài ra còn có sự tham dự của số lượng lớn đại diện giới doanh nghiệp, các cơ quan nghiên cứu và các cơ quan truyền thông, báo chí trong và ngoài ASEAN.
Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng sẽ điều hành các phiên họp với tư cách Chủ tịch Hội đồng Cộng đồng kinh tế ASEAN và Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN.
Chủ đề của các Hội nghị lần này là “Cộng đồng Kinh tế ASEAN: Cộng đồng vì sự tăng trưởng năng động và bền vững (AEC: A Community for Dynamic and Sustainable Growth)”. Điều này khẳng định hướng đi mới củaASEAN là không chỉ coi trọng mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà còn hướng đến sự phát triển cân bằng, ổn định và bền vững. Chủ đề này cũng phù hợp với chủ đề chung của năm ASEAN 2010 là: “Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn tới hành động” và Tuyên bố của các nhà Lãnh đạo ASEAN về “phục hồi và phát triển kinh tế bền vững” do Việt Nam đề xuất tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 16, tháng 4/2010 tại Hà Nội.
Bên cạnh đó, hội nghị AEM 42 và các hội nghị liên quan là dịp để các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN thảo luận những định hướng lớn, các biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế ASEAN, thực hiện thành công mục tiêu thiết lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015 để báo cáo lên Hội nghị AEC 4 và từ đó báo cáo lên các Nhà Lãnh đạo các nước tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 17 sẽ họp vào tháng 10?2010 tại Hà Nội.
Năm 2010 là năm đánh dấu nhiều cột mốc quan trọng trong chặng đường thực hiện mục tiêu AEC. Các Hiệp định cốt lõi của ASEAN như Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA); Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA); Gói cam kết thứ 7 về dịch vụ trong khuôn khổ Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS) sẽ có hiệu lực. ASEAN cũng sẽ triển khai mạnh mẽ nhiều chương trình hợp tác quan trọng như: cơ chế hải quan một cửa ASEAN (ASW), chương trình làm việc về thuận lợi hóa thương mại và các biện pháp tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp vào các hoạt động hội nhập của khu vực.
Nhân dịp này, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và các bên đối tác cũng sẽ tiến hành tham vấn nhằm đánh giá việc thực thi các hiệp định khu vực thương mại tự do, thảo luận các biện pháp thúc đẩy đàm phán các thỏa thuận thương mại mới và xác định hướng hợp tác lớn giữa ASEAN với các đối tác. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên ASEAN và Nga sẽ có đối thoại ở cấp Bộ trưởng Kinh tế nhằm thảo luận định hướng tăng cường hợp tác kinh tế, đầu tư giữa hai bên trong thời gian tới.
Ngoài những hoạt động theo thông lệ, với tư cách chủ nhà, Việt Nam đã chủ động đề xuất một số sáng kiến hợp tác mới như mở rộng đối thoại nhiều chiều với các doanh nghiệp trong tiến trình hoạch định chính sách khu vực, tổ chức phiên tham vấn lần đầu tiên với các Bộ trưởng kinh tế Campuchia, Lào, Myanma và Việt Nam (CLMV) nhằm thảo luận biện pháp giúp đẩy nhanh việc thu hẹp khoảng cách phát triển giữa CLMV và các thành viên ASEAN phát triển hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.