Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuẩn bị cho dự án đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh: Tạo cơ hội phát triển

An Tôn| 18/05/2022 07:24

(HNM) - Ngày 12-5 vừa qua, tại phiên họp thứ mười một, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí với chủ trương đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh; đề nghị Chính phủ hoàn chỉnh hồ sơ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, nếu đủ điều kiện sẽ trình Quốc hội. Đây là tin vui với các địa phương có tuyến đường này đi qua, bởi việc triển khai dự án sẽ kết nối hạ tầng giao thông, tạo cơ hội để phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Bình Dương sẽ được nâng cấp thành đường cao tốc.

Tuyến đường huyết mạch

Theo tờ trình của Chính phủ, dự án đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh có quy mô 76,3km, trong đó 47,51km đi qua thành phố Hồ Chí Minh, 6,81km đi qua tỉnh Long An, 10,76km đi qua tỉnh Bình Dương và 11,26km đi qua tỉnh Đồng Nai. Toàn tuyến có 6 nút giao và 4 vị trí ra vào cao tốc với đường hiện hữu. Hai bên tuyến được đầu tư xây dựng 2 chiều đường song hành, quy mô từ 2-3 làn xe/chiều. Dự án phân chia thành 8 dự án thành phần, tách riêng phần giải phóng mặt bằng và phần xây dựng triển khai độc lập theo địa giới hành chính giữa các địa phương, thực hiện theo hình thức đầu tư công. Tổng mức đầu tư khoảng 75.370 tỷ đồng.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm cho biết, đây là tuyến đường huyết mạch có vai trò quan trọng trong kết nối liên vùng Đông Nam Bộ với Tây Nam Bộ và hành lang xuyên Á. Bên cạnh đó, tuyến đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh còn là điểm đầu của các tuyến cao tốc trong khu vực. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng tuyến đường này với năng lực thông hành lớn sẽ góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh (khởi công năm 2022, hoàn thiện năm 2026 và đưa vào sử dụng năm 2027), Chính phủ đã quyết định đề xuất thay đổi hình thức đầu tư từ hợp tác công tư (PPP) sang đầu tư công (50% vốn từ ngân sách Trung ương, 50% từ ngân sách địa phương). Cùng với đó, Chính phủ cũng đề xuất nhiều cơ chế, chính sách đặc biệt về huy động nguồn vốn, thu hồi vốn đầu tư, cơ chế chỉ định thầu…

Bảo đảm tính hiệu quả và khả thi

Nhằm bảo đảm tính hiệu quả và khả thi của dự án, UBND thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An đã thẩm định nội bộ, nghiêm túc tiếp thu ý kiến góp ý của thành viên Hội đồng Thẩm định nhà nước, của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan, hoàn chỉnh Báo cáo tiền khả thi. Bên cạnh đó, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động cùng chính quyền các tỉnh Long An, Bình Dương và Đồng Nai thống nhất đề xuất Trung ương 4 nhóm cơ chế đặc thù, kiến nghị Quốc hội xem xét và thông qua để triển khai dự án, gồm: Nguồn vốn đầu tư và thu hồi vốn đầu tư; tổ chức thực hiện dự án; cơ chế chỉ định thầu; khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ dự án.

Tính đến giữa tháng 5-2022, HĐND 4 địa phương đều đã thông qua chủ trương triển khai và cam kết nguồn vốn ngân sách địa phương bố trí cho dự án. Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương Phạm Văn Chánh cho biết: “Ngày 25-4, HĐND tỉnh Bình Dương đã thông qua nghị quyết thống nhất chủ trương và cam kết bố trí 50% trong tổng số 9.640 tỷ đồng từ vốn ngân sách địa phương cho dự án”.

Với chủ trương giải phóng mặt bằng 1 lần (bao gồm cả phần đất xây dựng 2 đường song hành), sẽ có 3.863 hộ dân bị ảnh hưởng, tổng kinh phí hỗ trợ tái định cư lên đến gần 41.600 tỷ đồng. Trong số này, thành phố Hồ Chí Minh có 741 hộ, Long An có 120 hộ, Bình Dương có 515 hộ và Đồng Nai có 100 hộ. Tỉnh Bình Dương chủ trương hỗ trợ bằng tiền để người dân tự lo nơi ở mới (khoảng 13.528 tỷ đồng). Các địa phương còn lại đã bố trí xong nơi ở tái định cư cho người dân.

Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm, sở dĩ các địa phương nơi tuyến đường đi qua sớm hoàn thành được việc huy động vốn thực hiện dự án vì đã kết hợp nhiều giải pháp, bao gồm cả việc rà soát quỹ đất công hai bên tuyến và các tuyến đường nhánh chính, tổ chức đấu giá, thu tiền về ngân sách.

Về dự án xây dựng đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, thành phố Hồ Chí Minh đã đề xuất Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho phép các địa phương nơi tuyến đường Vành đai 3 đi qua được chỉ định thầu các gói tư vấn, đặc biệt là tư vấn trong thống kê, bồi thường, giải phóng mặt bằng. Gói xây lắp thì cơ bản sẽ đấu thầu để bảo đảm minh bạch, hạn chế tiêu cực. "Chúng tôi tiếp tục chuẩn bị, quyết tâm hoàn thành cơ bản dự án vào cuối năm 2025; hoàn thiện vào 2026, khai thác từ năm 2027", ông Phan Văn Mãi nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuẩn bị cho dự án đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh: Tạo cơ hội phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.