Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chưa xuất lộ dấu tích kiến trúc lớn

Lâm Vũ| 24/10/2013 07:18

(HNM) - Từ giữa tháng 8, Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đã tiến hành thám sát khảo cổ ở vị trí các trụ cầu vượt nhánh Khâm Thiên - Hoàng Cầu nhằm phục vụ hoàn thiện phương án thiết kế cầu vượt nút giao thông Ô Chợ Dừa.

Đại tầng hố PR1 tại nút giao thông Ô Chợ Dừa. Ảnh: Vũ Hoa


Khu vực mở các hố thám sát khảo cổ nằm ở vị trí các trụ PR1, PR2, PR3, PR4 cầu vượt nhánh Khâm Thiên - Hoàng Cầu với tổng diện tích 80m2. Hố PR1 nằm ở đầu đường Khâm Thiên đi vào Ô Chợ Dừa, hố PR2 nằm ở đường nhánh bên phải của đường La Thành đi vào Ô Chợ Dừa, hố PR3, PR4 nằm trong khu dân cư đã giải tỏa thuộc ngõ Đình Đông, phường Ô Chợ Dừa. Khu vực này, nằm trong phạm vi phân bố di tích La Thành Thăng Long. Theo những tư liệu thư tịch cổ và nhận định của nhiều nhà nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội thì đây là cửa Trường Quảng của La Thành Thăng Long trong lịch sử.

Tại hố PR1, địa tầng dày trên 3m bao gồm các lớp: Lớp mặt, dày 70-90cm, là mặt đường hiện đại; lớp 1 là lớp phù sa sông màu xám đen có lẫn nhiều mảnh ngói, sành vỡ vụn. Lớp này chỉ có ở phần phía nam hố đào, hiện vật trong lớp này chủ yếu có niên đại thời Lê. Lớp 2 là lớp đất phù sa sét màu nâu đỏ ở khu vực giữa hố kéo về phía vách bắc (dày 100cm) và mỏng ở góc đông nam (50cm), trong chứa nhiều hiện vật như đồ sành, bát hoa lam mang đặc trưng của thời Lê, thế kỷ XV-XVI. Dưới cùng của lớp này có lớp than tro dày đặc. Lớp 3 là lớp đất phù sa pha cát màu nâu xám hơi đỏ. Lớp này có nhiều hiện vật mang đặc trưng thời Trần như ngói phẳng màu đỏ, gốm men, lon sành…, ngoài ra cũng thấy xuất hiện một số hiện vật thời Lý. Cuối cùng là lớp sinh thổ, gồm đất sét màu đỏ vàng lẫn nhiều hạt Laterite màu nâu. TS Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học cho biết: "Trong hố xuất hiện nhiều khu vực có than tro dày dạng bếp, bên cạnh đó có nhiều hiện vật còn nguyên hoặc gần nguyên nên có thể đây là khu cư trú trong thành. Khu vực di tích nằm ngay sát chân thành bên trong và có liên quan mật thiết đến di tích La Thành Thăng Long và có thể là cả với di tích Đàn Xã Tắc gần đó. Tuy nhiên, rất tiếc là do diện tích hố đào quá nhỏ nên chúng tôi chưa thể xác định chính xác mối quan hệ giữa chúng. Hiện chưa phát hiện yếu tố kiến trúc liên quan đến Đàn Tế Xã Tắc".

Hiện vật trong hố PR2 khá nhiều và bị xáo trộn tự nhiên gồm đồ sành, gốm men, vật liệu kiến trúc từ thời Lê đến thời Nguyễn. Gốm men đều bị ố men thành màu xám do ngâm trong nước, đất đen lâu dài. Vị trí mở hố PR2 hoàn toàn là đất bùn đen nằm ở đáy sông, suối. Điều này cho thấy hố đào nằm ở khu vực gần dòng chảy cổ có thể là ven sông Kim Ngưu hoặc cửa nước từ trong thành chảy ra Kim Ngưu ở gần cửa Trường Quảng của thành Thăng Long xưa. "Qua theo dõi diễn biến hố đào cũng như nghiên cứu toàn cảnh khu vực, chúng tôi nhận thấy đất trong khu vực hố PR2 là dạng phù sa sông màu xám đen, giống với đất khi công trường làm đường đào ở phía dòng Kim Ngưu cũ cách đó khoảng 50m. Mặc dù nằm rất gần khu vực La Thành và nền Đình Đông nhưng đất khu Đình Đông là đất phù sa sét màu nâu đỏ, khác hẳn khu này", TS Bùi Văn Liêm chia sẻ.

Địa tầng hố PR3 có cấu tạo gồm nhiều lớp. Lớp mặt là lớp vật liệu xây dựng hiện đại rất dày do quá trình phá dỡ nhà dân để lại. Tại lớp 1, bóc dỡ đến độ sâu khoảng 2,5m so với bề mặt hố bắt đầu xuất lộ lớp đất phù sa pha sét màu nâu đỏ. Lớp đất này lan rộng toàn bộ mặt bằng hố và có độ dày mỏng khác nhau, trong đất có một số hiện vật gồm gạch vồ, ngói phẳng thời Lê, mảnh vỡ đồ sành thời Trần và Lê. Lớp 2 chỉ xuất lộ ở nửa phía bắc hố, là một nền đất được đầm rất chặt bằng đất thịt màu xám đen dày khoảng 30cm. Trong lớp đất xám đầm chặt này có một số vụn đất nung và một số mảnh sành thời Lê. "Chúng tôi cho rằng có thể lớp này là một lớp đầm tạo mặt bằng sân Đình Đông. Mặt cắt dạng bậc cũng có thể là một lối đi lên Đình Đông ngày trước nhưng diện xuất lộ quá nhỏ nên đây chỉ là một giả thiết", PGS, TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học nhận định. Tại hố PR4, các nhà khoa học không phát hiện thấy hiện vật gì ngoài lớp đất sét màu nâu đỏ.

Trong thời gian tới, Viện Khảo cổ học sẽ tiếp tục chỉnh lý khoa học những di tích, di vật đã thu thập được, đồng thời bàn giao hiện trường cho Ban quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội để thực hiện xây dựng công trình điều tiết nút giao thông Ô Chợ Dừa. Tuy nhiên, theo TS Bùi Văn Liêm, vì công việc thám sát, khai quật khảo cổ mới được tiến hành trên một diện tích nhỏ so với yêu cầu nghiên cứu khảo cổ học lịch sử ở khu vực này, do vậy khi xây dựng các mố cầu, cần phải có cán bộ chuyên môn về khảo cổ học giám sát, khi có vấn đề phát sinh thì phải có những phương án điều chỉnh kịp thời. Trong trường hợp dự án có bất kỳ thay đổi gì về mặt thiết kế và xây dựng ở khu vực Ô Chợ Dừa có khả năng xâm hại đến hiện trường đường La Thành (di tích La Thành Thăng Long) và khu vực di tích Đàn Xã Tắc thì cần phải thông báo cho cơ quan quản lý văn hóa, cơ quan chuyên môn khảo cổ để cùng phối hợp giải quyết.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chưa xuất lộ dấu tích kiến trúc lớn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.