Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chưa tương xứng với thực tế

Phong Thu| 25/11/2013 06:05

(HNM) - Việc đánh giá chất lượng cán bộ, công chức (CBCC) dựa vào cảm tính đang làm ảnh hưởng đến công tác cán bộ và cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng

Tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, việc 30% hay 1% CBCC không làm được việc đã được nhiều đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình nhằm đòi hỏi một quy chuẩn đánh giá hiệu quả công việc của CBCC. Vậy ở Hà Nội, thực trạng vấn đề này như thế nào, các địa phương triển khai những biện pháp gì để khắc phục những bất cập về cơ chế, chính sách...

Quận Long Biên là địa phương áp dụng phương pháp đổi mới đánh giá công việc của cán bộ, công chức mang lại hiệu quả cao. Ảnh: Khánh Nguyên


"Vênh" giữa báo cáo và thực tế

TP Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác đang có chung hạn chế của tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn là vẫn còn cồng kềnh; năng lực quản lý của bộ máy hành chính các sở, ngành, quận, huyện, thị xã và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) không đồng đều, nhiều nơi chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Tuy nhiên, việc phân định rõ nơi nào, chỗ nào CBCC không đáp ứng được yêu cầu, cần loại bỏ là không dễ dàng. Thậm chí, ngay cả khi nhìn nhận được đơn vị đó, cán bộ đó không đủ năng lực, cần thay thế thì vẫn thực hiện theo kiểu khắc phục dần dần. Lãnh đạo Huyện ủy Sóc Sơn cho biết: "Chưa bao giờ huyện quyết liệt với công tác cán bộ như bây giờ. Trong hai năm 2011 và 2012, có tới 60 trường hợp bị xử lý, kỷ luật. Tuy nhiên, trên huyện thì "nóng ran" như vậy nhưng ở cấp xã lại "nguội lạnh". Nguyên nhân là do ý thức, chất lượng đội ngũ cán bộ cấp xã chưa đáp ứng được yêu cầu, mà thay đổi không thể ngày một ngày hai". Cũng theo vị lãnh đạo này, một số chủ tịch xã chưa đáp ứng được yêu cầu và huyện Sóc Sơn hiện còn 8/26 xã, thị trấn mang tính "yếu kém bền vững".

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Bạch Công Tiến thẳng thắn nhìn nhận: "Có hai yêu cầu đối với cán bộ là năng lực trình độ và tư cách đạo đức, nhưng trên địa bàn vẫn có những cán bộ bộ phận "một cửa" chưa đáp ứng được yêu cầu. Biểu hiện là tiếp nhận cả hồ sơ không đủ thủ tục theo quy định mà không biết hoặc có việc thuộc thẩm quyền lại chuyển lên trên. Bên cạnh đó, tư cách đạo đức và ý thức trách nhiệm cũng chưa được nghiêm túc nên có những nơi người dân kêu ca, phàn nàn".

Vấn đề này không chỉ xảy ra ở Ba Vì mà còn là tình trạng chung ở nhiều nơi. Người dân, doanh nghiệp vẫn còn không ít bức xúc về thái độ, tinh thần trách nhiệm của CBCC khi giao tiếp, giải quyết thủ tục hành chính. Và thực tế là việc thực thi công vụ ở nhiều nơi chưa đạt yêu cầu, còn chậm muộn, còn hiện tượng cố tình nhũng nhiễu, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm… Thế nhưng, nghịch lý là khi đánh giá, tổng kết cuối năm, tỷ lệ CBCC hoàn thành xuất sắc và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở các đơn vị rất cao, rất ít người không hoàn thành nhiệm vụ. Minh chứng là thực trạng nền công vụ còn chưa chuyên nghiệp, minh bạch và hiệu quả nhưng báo cáo của các địa phương vẫn ăm ắp "màu hồng", để rồi Bộ Nội vụ thống kê, tổng hợp ra một con số "đẹp như mơ": chỉ có trên dưới 1% CBCC chưa hoàn thành nhiệm vụ. Điều đó cho thấy việc đánh giá vẫn còn mang nặng tính hình thức, chưa tương xứng với thực tế chất lượng CBCC hiện nay.

Tiên phong đổi mới

Khắc phục những hạn chế của việc chỉ đánh giá CBCC hằng năm và chủ yếu dựa vào cảm tính trước đây, UBND quận Long Biên đã yêu cầu mỗi CBCCVC phải xây dựng kế hoạch công tác. Trong đó nêu rõ từng ngày, từng tuần, từng tháng; đồng thời, nghiên cứu và xây dựng hai biểu mẫu đánh giá, xếp loại hằng tháng đối với hai nhóm đối tượng: Cán bộ quản lý và công chức, viên chức, lao động hợp đồng (LĐHĐ). Cả hai loại phiếu đều gồm các nội dung đánh giá: Kết quả thực hiện nhiệm vụ (60 điểm) và ý thức tổ chức kỷ luật (40 điểm). Từng nội dung lại có các tiêu chí cụ thể như: Xây dựng đủ các văn bản phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành theo chỉ đạo của quận; phân công nhiệm vụ cho cấp dưới rõ ràng, có định hướng đối với từng công việc cụ thể; hoàn thành 100% công việc theo kế hoạch, lịch công tác tuần và nhiệm vụ phát sinh bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng tốt; có sáng kiến, sáng tạo; có tinh thần trách nhiệm với công việc… Ngày 25 hằng tháng, mỗi cá nhân phải tự ghi rõ những tồn tại (không ghi thành tích) và tự chấm điểm cho từng tiêu chí và tự xếp loại rồi thủ trưởng sẽ nhận xét, đánh giá. Kết quả phiếu nhận xét sẽ được gửi vào email của cá nhân đó, đồng thời đăng trên lớp 2 (lớp nội bộ) của Cổng thông tin điện tử quận.

Từ tháng 4-2013, phương pháp này được triển khai tại UBND quận và toàn bộ các phường trên địa bàn. Theo bà Vũ Thị Thành, Phó Trưởng phòng Nội vụ quận Long Biên: "Cách làm này đã mang lại hiệu quả rõ nét, tạo được sự chủ động cho CBCCVC trong việc thực hiện nhiệm vụ. Qua đó, nâng cao được hiệu quả, chất lượng công việc cũng như ý thức, trách nhiệm của CBCCVC. Cách đánh giá 1 lần/năm thì tỷ lệ CBCCVC hoàn thành xuất sắc và hoàn thành tốt có khi lên tới 99%, với cách đánh giá hằng tháng thì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chỉ từ 4 đến 6%; hoàn thành tốt khoảng 80%, đặc biệt là tháng nào cũng nhìn thấy tỷ lệ CBCC không hoàn thành nhiệm vụ". Bộ phận "một cửa" quận Long Biên cũng thực hiện đánh giá, xếp loại công chức, LĐHĐ và trưởng bộ phận nhưng theo mẫu phiếu riêng, trong đó có những tiêu chí đặc thù của bộ phận "một cửa" như: Có tinh thần thái độ phục vụ nhân dân, tận tụy với công việc, không hách dịch, cửa quyền, gây phiền hà, khó khăn cho tổ chức, công dân đến giao dịch; có tinh thần phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ… Nhờ đó, tỷ lệ hồ sơ trả kết quả đúng hẹn đạt cao.

Trong khi các vấn đề về liên quan đến chất lượng cán bộ đã được bàn rất nhiều nhưng hiệu quả lại chưa tương xứng và Bộ Nội vụ cũng chưa có văn bản hướng dẫn các địa phương phân loại cán bộ để có cơ sở loại bỏ những CBCC yếu kém thì phương pháp đổi mới, sáng tạo của quận Long Biên thật đáng ghi nhận. Đó cũng là một biện pháp khắc phục cách đánh giá CBCCVC chủ yếu dựa vào định tính, thiếu định lượng lâu nay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chưa tương xứng với thực tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.