Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chưa tương xứng với thế mạnh

Đào Huyền| 16/02/2011 07:32

(HNM) - Trong các hàng nông sản xuất khẩu (XK), cà phê được coi là một trong những mặt hàng chủ lực của Việt Nam. Nếu giữa năm 2010 cà phê rớt giá mạnh, khiến nông dân điêu đứng thì đầu năm 2011, niềm vui đã đến với người trồng cà phê khi giá trong nước và trên thế giới liên tục tăng. Liệu XK cà phê năm nay có thể chạm mốc 2 tỷ USD như mục tiêu đề ra?


Giá cà phê tăng mạnh


Thu hoạch cà phê tại Đắc Lắc.


Theo Bộ NN&PTNT, diện tích trồng cà phê của cả nước khoảng 548,2 nghìn hécta. Năm 2010 Việt Nam XK khoảng 1,17 triệu tấn cà phê, đạt kim ngạch XK 1,73 tỷ USD, tăng 1,9% so với năm trước. Tuy số lượng có giảm song những đợt tăng giá cuối năm đã đẩy kim ngạch XK tăng lên. Một tin vui mới đến với bà con trồng cà phê khi giá liên tục tăng trong những ngày đầu năm 2011. Hiệp hội cà phê ca cao VN (Vicofa) cho biết, hiện cà phê nhân xô mà các doanh nghiệp (DN), đại lý thu mua ở các tỉnh Tây Nguyên có giá 41.000-41.400 đồng/kg, tăng hơn 10.000 đồng/kg so với đầu năm 2010. Đây là mức giá cao nhất trong vòng 13 năm qua. Theo các chuyên gia, giá cà phê tăng mạnh là do trong phiên giao dịch trên thị trường London, giá cà phê Robusta giao tháng 5 đã tăng từ 2.225 USD/tấn lên mức 2.254 USD/tấn, tăng 29 USD/tấn. Dù giá cà phê tăng cao nhưng nhiều nông dân vẫn hạn chế bán ra vì họ hy vọng giá cà phê sẽ còn tăng. Điều đó cộng với thông tin Chính phủ sẽ hỗ trợ thu mua tạm trữ 300.000 tấn cà phê ngay từ đầu năm, nhiều khả năng giá cà phê sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần cho biết, tuy sản lượng cà phê thời gian qua có giảm nhưng giá cà phê đang ở mức cao sẽ bù lại sự thiếu hụt về sản lượng. Hiện có 26 nhà thu mua cà phê lớn trên thế giới đặt văn phòng tại nước ta; 146 DN Việt Nam có tham gia hoạt động XK cà phê. Các DN, đơn vị này tạo nguồn cung lớn cho các nhà máy rang xay lớn trên thế giới, chi phối 80% thị trường cà phê toàn cầu. Các chuyên gia nhận định, nếu giá cà phê thế giới tiếp tục giữ mức khoảng 2.000 USD/tấn thì kim ngạch XK mặt hàng này có thể đạt 2 tỷ USD như mục tiêu của ngành đề ra.

Bài toán thương hiệu, chất lượng

Theo chuyên gia kinh tế nhận định, Việt Nam là nước XK cà phê lớn thứ hai trên thế giới (sau Brazil) nhưng giá trị mặt hàng này mang lại chưa tương xứng với tiềm năng. Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Vicofa cho biết, cứ 10,5 ly cà phê mà người dân trên thế giới uống thì có 1,5 ly từ Việt Nam, nhưng người tiêu dùng thế giới lại chưa biết đến cà phê Việt Nam vì 93% cà phê Việt Nam XK dưới dạng hạt, bán cho các nhà rang xay thế giới. So với sản lượng XK, chỉ có 7% lượng cà phê của nước ta sản xuất ra được tiêu thụ trong nước. Nguyên nhân chính là người sản xuất và nhà XK cà phê chưa bắt tay để cùng nhau xây dựng thương hiệu cho cà phê Việt. Ngoài yếu tố thương hiệu, chất lượng cà phê cũng là ẩn số phải giải quyết. Để cà phê Việt Nam phát huy được tiềm năng thì phải giải được bài toán logic với nhiều mắt xích liên quan như sản xuất, chế biến, thị trường, thương hiệu và chất lượng...

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, hiện cả nước có trên 85% số hộ trồng cà phê với quy mô dưới 2ha. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún dẫn đến chất lượng cà phê không đồng đều. Đáng lưu ý là có trên 80% sản lượng cà phê được chế biến tại các hộ nhỏ lẻ, trong đó 50% số hộ thiếu sân phơi và 80% hộ không có máy sấy, phụ thuộc vào thời tiết. Số lượng máy sấy chủ yếu là sản xuất trong nước, chất lượng không cao, rất ít hộ dùng máy nhập khẩu do giá thành cao. So với tiêu chuẩn chất lượng cà phê XK, sự yếu về năng lực sơ chế, tinh chế, công nghệ sấy chất lượng cao đặt ra bài toán phải giải một cách thấu đáo. Ngoài những yếu tố trên, theo các chuyên gia, để ổn định giá cà phê về lâu dài thì phải thành lập quỹ bảo hiểm cà phê XK và chương trình tạm trữ cà phê phải trở thành một chính sách chủ chốt.

Theo ông Lữ Ngọc Cư, Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lắc thì dựa trên thế mạnh là thủ phủ cà phê của cả nước, giá trị sản phẩm đã được người tiêu dùng trong nước và thế giới công nhận, Đắc Lắc xác định cà phê là nhân tố chủ đạo cho sự phát triển. Mà không chỉ có Đắc Lắc, gần như cả Tây Nguyên đang dựa vào thế mạnh cà phê, bởi thế mà bài toán năng suất, chất lượng, xây dựng thương hiệu và tìm kiếm thị trường cần có lời giải sớm hơn bao giờ biết.

Giá cà phê tăng, nông dân phấn khởi, hy vọng một niên vụ bội thu. Tuy nhiên, để người nông dân trồng cà phê không phải trải qua những thăng trầm, thì mối liên kết "ba nhà": nông dân, DN, Nhà nước cần được chặt chẽ hơn nữa, có vậy thế giới mới biết đến cà phê mang thương hiệu Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chưa tương xứng với thế mạnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.