Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chưa theo kịp nhu cầu xã hội

Lâm Vũ| 25/08/2012 07:32

(HNM) - Cùng với sự bùng nổ thông tin đa chiều và những tác động tiêu cực từ môi trường tự nhiên, xã hội, sức ép tâm lý đối với mỗi thành viên trong xã hội cũng không ngừng gia tăng.


Ít về lượng

Ông Phạm Đình Duyên, giảng viên Trường Đại học Chính trị (trước là Trường Sĩ quan chính trị - Bộ Quốc phòng) cho biết, số lượng các cơ sở tư vấn tâm lý (TVTL) hiện rất khiêm tốn. Dân số cả nước là 87,84 triệu người nhưng chỉ có trên 100 trung tâm TVTL. Số lượng nhân viên tư vấn cũng chưa đáp ứng nhu cầu xã hội. Bởi hiện nay tuy có nhiều cơ sở đào tạo chuyên ngành tâm lý, như Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Sư phạm Hà Nội… nhưng đào tạo chuyên sâu về TVTL thì không nhiều. Hơn nữa, theo ước tính chỉ khoảng 20% sinh viên tốt nghiệp ngành tâm lý làm việc trong lĩnh vực này. Theo một nghiên cứu mới nhất ở TP Hồ Chí Minh, nơi có sự phát triển mạnh nhất cả về quy mô và chất lượng của hoạt động TVTL hiện nay, thì số lượng chuyên viên TVTL cũng chỉ dừng ở con số vài trăm, mới đáp ứng được 5% nhu cầu thực tế.


Hoạt động tư vấn tâm lý có vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người dân. Ảnh: Linh Tâm

Hiện nay có nhiều tổ chức, cá nhân tham gia vào lĩnh vực hoạt động TVTL như nhà trường, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội sinh viên. Ngoài ra còn có các cơ quan truyền thông với các chuyên mục "Cửa sổ tình yêu" của Đài Tiếng nói Việt Nam; "Hành trình cùng bạn" của Đài PT&TH Hà Nội… Tuy nhiên, hình thức hoạt động chủ yếu của các trung tâm vẫn là tư vấn qua điện thoại, qua dịch vụ tin nhắn, qua hộp thư thoại, qua thư điện tử.

Kém về chất

Hiện nay, ở các cơ sở TVTL thường chỉ có những người đứng đầu hoặc người giữ vị trí quan trọng mới có trình độ và được đào tạo bài bản về TVTL. Còn nhân viên đa số chưa qua đào tạo cơ bản, hoặc là được đào tạo nhưng không phù hợp với lĩnh vực chuyên môn, "tay ngang" chuyển qua với các chuyên ngành chính là y học, ngoại ngữ, luật, xã hội học… Chính vì vậy, chất lượng, hiệu quả tư vấn chưa cao. Những ca tư vấn thực sự hiệu quả bằng hiểu biết về kiến thức chuyên môn tâm lý học, lý giải hiện tượng rồi đưa ra những lời khuyên có cơ sở khoa học còn rất hạn chế. Trong đa số các ca tư vấn, nhân viên chỉ lắng nghe đối tượng bày tỏ tâm sự, băn khoăn, khúc mắc của họ, sau đó thể hiện sự đồng cảm và đưa ra những lời khuyên theo kinh nghiệm cá nhân của mình.

Theo ông Phạm Đình Duyên, thực trạng này là do tiêu chí tuyển nhân viên tư vấn chưa hợp lý. Đa số trung tâm yêu cầu nhân viên có khả năng giao tiếp, ứng xử tốt, có hiểu biết về các lĩnh vực xã hội. Người được tuyển chọn sẽ được tập huấn về những kỹ năng tư vấn cơ bản trong một thời gian ngắn trước khi hành nghề. Trong quá trình tư vấn, họ dùng kinh nghiệm chủ quan và hiểu biết của bản thân là chủ yếu, đồng thời học hỏi thêm ở sách vở, đồng nghiệp để nâng cao trình độ và kỹ năng tư vấn. Những hạn chế về hiệu quả TVTL còn có một nguyên nhân cơ bản nữa là sự tâm huyết của đội ngũ nhân viên tư vấn. Hiện nay, đội ngũ nhân viên tư vấn ở các trung tâm đa số không coi công việc mình đang làm là một nghề ổn định lâu dài, họ không xác định sẽ gắn bó với nghiệp tư vấn mà chỉ coi là công việc tạm thời, trước mắt, trong khi chờ đợi một công việc ổn định khác. Do đó, họ không có sự đầu tư thích đáng để nâng cao tay nghề nên hiệu quả tư vấn không cao.

Do vậy, để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động TVTL, các cơ quan quản lý cần đề ra chiến lược phát triển các cơ sở TVTL một cách khoa học, hợp lý. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức của người dân, giúp họ hiểu biết đúng đắn về sự cần thiết của hoạt động TVTL trong việc chăm sóc sức khỏe tinh thần. Trên hết, TVTL phải được Nhà nước thừa nhận chính thức là một nghề, thông qua việc cấp một mã ngành riêng và có chính sách bảo đảm thù lao xứng đáng để những người làm công tác này yên tâm cống hiến cho nghề.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chưa theo kịp nhu cầu xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.