Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chưa thể vượt ngưỡng

Vĩnh Nguyên| 18/11/2010 07:03

(HNM) - Sẽ là không thật sự chính xác nếu đánh giá kết quả lọt vào vòng 2 ở ASIAD 16 của Olympic Việt Nam như một sự tiến bộ. Trên thực tế, nếu so với ASIAD 15 cách đây 4 năm, kết quả thi đấu ở ASIAD 16 của thầy trò HLV Calisto hiện nay không hề cao hơn, nếu không muốn nói là thụt lùi.

Pha tranh bóng giữa các cầu thủ Việt Nam (áo trắng) và CHDCND Triều Tiên.  Ảnh: Hồ Ý


Trên thực tế, nếu so với ASIAD 15 cách đây 4 năm, kết quả thi đấu ở ASIAD 16 của thầy trò HLV Calisto hiện nay không hề cao hơn, nếu không muốn nói là thụt lùi. Ở ASIAD 15 (Doha, Qatar), Olympic Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV người Áo A.Riedl chỉ thua 2 trận với tỷ số sát nút trước Bahrain và Hàn Quốc, nhưng lại đánh bại Bangladesh tới 5-1 (Thanh Bình lập hat-trick). Trong khi đó, với 3 trận đấu vòng loại ở Quảng Châu, Olympic Việt Nam chỉ thắng 1 trận (3-1 Olympic Bahrain) nhưng lại lần lượt thua bẽ bàng 2-6 trước Olympic Turmenistan và Olympic Iran 0-1. Đáng nói, nếu không phải Olympic Iran đã sớm giành vé vào vòng 2, nên đã cất hơn một nửa số cầu thủ trụ cột để giữ sức thì tỷ số thua chưa hẳn đã dừng lại ở con số 0-1 đối với Olympic Việt Nam. Olympic Việt Nam vượt qua vòng loại là bởi thể thức thi đấu của môn bóng đá nam ở ASIAD 16 có sự thay đổi: hai đội nhất, nhì mỗi bảng cùng 4 đội xếp thứ 3 có thành tích tốt nhất ở vòng đấu loại được cấp vé vào vòng 2. Ở ASIAD 15, chỉ 6 đội đứng đầu mỗi bảng, cộng thêm 2 đội xếp thứ nhì có thành tích tốt nhất có vé, mức độ cạnh tranh rõ ràng là khốc liệt hơn rất nhiều.

Sau trận thua 0-1 trước Olympic Iran, HLV Calisto đã khẳng định bóng đá Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong 5 năm gần đây. Điều này có thể đúng ở góc độ tổng thể. Không thể phủ nhận những thành tích các đội bóng đá trẻ của Việt Nam như U16 hay U19 giành được trong thời gian qua. Tuy nhiên, ở riêng đấu trường ASIAD, như đã phân tích ở trên, sẽ là có phần khiên cưỡng và không thật chính xác nếu chỉ căn cứ vào thành tích vượt qua vòng loại để nói rằng chúng ta đã "tạo nên một cột mốc lịch sử mới". Xét về bản chất, đó có thể là cách nói tự dối mình.

Với riêng HLV Calisto, ASIAD 16 khó có thể là một giải đấu thành công của ông. Trong 3 trận ông Calisto có mặt, Olympic Việt Nam toàn bại. Các quyết định về nhân sự của HLV Calisto, đặc biệt cho trận đấu với Olympic CHDCND Triều Tiên, không phải hoàn toàn đúng. Cả 3 cầu thủ mới được HLV Calisto thử nghiệm vào các vị trí mới đều gây thất vọng. Chu Ngọc Anh và Bùi Văn Hiếu lần lượt phạm lỗi thô bạo, bị đuổi khỏi sân. Quốc Long, trong lần đầu tiên sắm vai trò trung vệ ở ASIAD 16, đã chơi dưới sức rồi bị thay ra ngay khi hiệp 1 chưa diễn ra quá nửa thời gian. Không ai trách Olympic Việt Nam khi để thua một đối thủ như Olympic CHDCND Triều Tiên, thậm chí là còn phải ngả mũ trước sức chiến đấu của các cầu thủ khi phải thi đấu thiếu người, nhưng việc để bị đuổi tới 2 cầu thủ trong một trận đấu sống còn là điều rất khó chấp nhận.

Có một điều cần nói là trong trận thua bẽ bàng trước Turmenistan, các cầu thủ phải là người chịu trách nhiệm chính bởi đã có một trận "đá không giống ai". Nếu đổ tất cả trách nhiệm cho HLV Calisto, bóng gió hoặc hụych toẹt trên mặt báo thì chẳng khác nào "vẽ đường cho hươu" và làm hỏng cầu thủ.

Nhìn một cách tổng thể, có lý do để thấy ASIAD vẫn là sân chơi "quá tầm" với bóng đá Việt Nam, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chưa thể vượt ngưỡng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.