(HNM) - Liên đoàn Arab (AL) ngày 17-1 đã quyết định cử thêm 10 quan sát viên tới quốc gia này (nâng tổng số lên 155 người) để tham gia phái bộ giám sát việc thực thi Thỏa thuận hòa bình đã ký giữa AL với Syria nhưng nạn bạo lực vẫn tiếp tục leo thang nghiêm trọng.
Trong một diễn biến mới, ngày 17-1, tại tỉnh Idlib đã xảy ra vụ đánh bom ven đường nhằm vào lực lượng an ninh, làm 4 người thiệt mạng và 5 người bị thương. Trước đó, tối 16-1, một nhóm khủng bố có vũ trang đã phóng lựu đạn vào một chốt kiểm soát quân sự cách thủ đô 9km, làm một sĩ quan thiệt mạng và 5 binh sĩ bị thương... Chính quyền Damascus khẳng định, tình trạng bạo lực tại nước này do các nhóm vũ trang và các phần tử khủng bố tiến hành với sự hỗ trợ từ bên ngoài nhằm gây bất ổn Syria.
Các quan sát viên của AL tìm hiểu tình hình thực tế tại Syria để tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở nước này. |
Trong khi đó, áp lực từ cộng đồng quốc tế đối với chính phủ của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad ngày một tăng. Trong cuộc gặp với Quốc vương Jordan tại Washington ngày 17-1, Tổng thống Mỹ Barak Obama tuyên bố đang tìm cách để gia tăng áp lực quốc tế buộc ông Bashar Al-Assad phải từ bỏ quyền lực. Trong khi đó, bản dự thảo nghị quyết mới về cuộc khủng hoảng ở Syria, do Nga soạn thảo trình lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) lập tức nhận sự phản ứng từ các nước phương Tây. Ngày 17-1, Pháp và Đức cho rằng, dự thảo nghị quyết mới của Nga là chưa đủ sâu rộng. Thủ tướng Anh David Cameron cảnh báo, Syria sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của LHQ nếu nước này không chấm dứt tình trạng đàn áp bạo lực. Giới chức phương Tây muốn HĐBA yêu cầu chế độ Syria chấm dứt đàn áp, tôn trọng các quyền của người dân Syria, ủng hộ kế hoạch của AL nhằm chấm dứt khủng hoảng, trong khi Mátxcơva kịch liệt phản đối LHQ có bất cứ hành động mạnh tay nào đối với các cuộc đàn áp biểu tình của ông Bashar Al-Assad.
Trong một diễn biến khác, AL đang dự kiến sẽ sớm tổ chức cuộc họp cấp bộ trưởng để thảo luận đề xuất của Quốc vương Qatar, Hamad bin Khalifa al-Thani, về việc đưa các binh sĩ Arab tới Syria. Giới quan sát nhận định, nếu điều này diễn ra sẽ là một tiền lệ nguy hiểm. Phản ứng gay gắt của Damascus ngay sau đó cũng là điều dễ hiểu. Trong một tuyên bố ngày 16-1, Bộ Ngoại giao nước này nhấn mạnh, tuyên bố của các quan chức Qatar về việc đưa quân Arab tới Syria chỉ làm tồi tệ thêm cuộc khủng hoảng hiện nay và mở đường cho sự can thiệp của nước ngoài. Ngày 17-1, Nga cũng bày tỏ thái độ không ủng hộ khả năng triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của AL đến Syria vì các binh sĩ không có quyền pháp lý để thực hiện điều này. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennadi Gatilov cho biết, Mátxcơva sẽ ủng hộ phái bộ của AL tại Syria trong tương lai vì "biện pháp đó nói chung là tích cực" và Nga sẵn sàng tiếp tục làm việc về một nghị quyết của LHQ về Syria.
Vấn đề ở đây là các bên đang lâm vào thế bí trong việc tìm kiếm giải pháp hữu hiệu cho cuộc khủng hoảng tại quốc gia Trung Đông này. Đơn cử như việc AL cử phái bộ quan sát viên tới Syria trong thời gian qua. Theo thỏa thuận hòa bình mà Damascus ký với AL, ngày 19-12-2011, về việc yêu cầu chính quyền Syria rút quân đội khỏi các thành phố, làng mạc và thả tù nhân. Trong thời gian các quan sát viên AL có mặt, Syria đã tiến hành đợt ân xá quy mô lớn đối với những người biểu tình chống chính phủ. Ngày 17-1, Damascus cũng sẵn sàng chấp thuận phái đoàn quan sát viên AL kéo dài sứ mệnh, khi kết thúc nhiệm vụ vào ngày 19-1...
Tuy nhiên, những động thái tích cực ấy không được giới chức phương Tây đánh giá đúng mức. Với sự hỗ trợ từ bên ngoài, phe đối lập tại nước này đã phản bác lại rằng, mặc dù đồng ý gia tăng số lượng quan sát viên nhưng chính phủ của Tổng thống Bashar Al-Assad sẽ không cho phép quan sát viên của AL chính thức tìm hiểu tình hình thực tế hay không được phép vào khu vực quân sự nhạy cảm, không nằm trong kế hoạch hòa bình hiện nay của AL. Thậm chí, ngày 16-1, phe đối lập tại Syria còn thông báo việc thiết lập một đường dây nóng để phối hợp hành động nhằm lật đổ chế độ của ông Bashar Al-Assad.
Nội công, ngoại kích khiến cho chính quyền Damascus chưa thể đạt được bất kỳ thỏa thuận nào với phe đối lập để nuôi hy vọng cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng. Trong khi đó, vào ngày 22-1 tới, các Bộ trưởng Ngoại giao Arab dự kiến nhóm họp để trình bày báo cáo về tình hình Syria. Tuy nhiên, từ tình hình hiện tại, dư luận không mấy hy vọng báo cáo đó sẽ mang đến những kết quả tích cực. Syria vẫn chìm trong cuộc khủng hoảng chính trị sâu rộng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.