Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chưa thể khai thông bế tắc

Trung Hiếu| 06/10/2011 06:37

(HNM) - Từ sau thời điểm Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đệ đơn xin gia nhập Liên hợp quốc (LHQ) (23-9) và đề nghị công nhận Palestine là một Nhà nước độc lập trên các đường biên giới năm 1967 tại kỳ họp của Đại Hội đồng LHQ, thế giới đang chứng kiến một Trung Đông nhiều biến động.

Washington khẳng định sẽ dùng quyền phủ quyết tại cuộc bỏ phiếu của Hội đồng Bảo an nếu người Palestine đòi độc lập. Để tỏ rõ quan điểm chống lại nền độc lập của dân tộc Palestine, "cây gậy" vừa được Quốc hội Mỹ tung ra. Theo đó, các nhà lập pháp chủ chốt của Mỹ, ngày 1-10, đã quyết định phong tỏa 200 triệu USD viện trợ kinh tế cho Palestine. Trong khi đó, Israel khẳng định Palestine không thể giành đa số phiếu cần thiết trong Hội đồng Bảo an để hợp thức hóa yêu cầu trở thành thành viên chính thức của LHQ. Còn Liên minh châu Âu (EU) vẫn chưa công bố lập trường chính thức. Theo Ngoại trưởng Anh William Hague, điều này nhằm gây sức ép tối đa với cả Palestine lẫn Israel trong việc trở lại thương lượng trực tiếp.

Ngay sau quyết định cắt viện trợ của Quốc hội Mỹ, chính quyền dân tộc Palestine (PNA) đã lên tiếng chỉ trích sự phi lý trong quyết định của Mỹ khi gắn quyền lợi chính trị của Palestine với khoản tiền viện trợ và khẳng định quan hệ Mỹ - Palestine sẽ xấu đi nếu Mỹ không thay đổi quan điểm. Liên đoàn Arab (AL), ngày 2-10, đã đáp lại lập trường của Mỹ bằng việc kêu gọi các quốc gia thành viên tăng viện trợ tài chính cho Palestine nhằm giúp người dân đối phó với những đe dọa phong tỏa viện trợ. Trước đó, nhóm Bộ tứ về Trung Đông (Mỹ, Liên hợp quốc, Nga và EU) đã nhóm họp để ra tuyên bố chung nối lại vòng đàm phán hòa bình Israel - Palestine. Đại diện của Bộ tứ, trong đó có Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã kêu gọi người Israel và người Palestine bắt đầu cuộc đàm phán trong vòng một tháng để chuẩn bị nối lại tiến trình hòa đàm... Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã lên tiếng hoan nghênh lời kêu gọi của Nhóm Bộ tứ nối lại tiến trình đàm phán trực tiếp Israel - Palestine, nhưng vẫn không ngừng xây dựng các khu định cư Do Thái mới trên các vùng đất chiếm đóng của Palestine, một điều kiện tiên quyết để Palestine nối lại đàm phán.

Trong khi đó, cộng đồng tiến bộ trên thế giới vẫn tiếp tục thể hiện sự ủng hộ dành cho nền độc lập của người Palestine. Hiện có khoảng 120 trong tổng số 193 nước tham gia bỏ phiếu tại Đại Hội đồng LHQ tuyên bố ủng hộ Palestine.

Cùng với "cây gậy" vừa được Mỹ đưa ra, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã có chuyến thăm bất ngờ tới Trung Đông. Tại Tel Aviv, cùng với cảnh báo công khai đồng minh Israel về nguy cơ bị cô lập trước cộng đồng quốc tế nếu tiếp tục mở rộng các khu định cư Do Thái, người đứng đầu Lầu Năm Góc đã không quên tái khẳng định cam kết quan hệ quân sự Mỹ - Israel. Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ehud Barak ở Tel Aviv, ngày 3-10, Bộ trưởng L. Panetta đã xoa dịu những phản ứng của chính quyền Palestine khi phản đối giới lập pháp Mỹ rằng hiện không phải là thời điểm thích hợp để phong tỏa viện trợ cho người dân Palestine. Bộ trưởng L. Panetta cũng đã gặp Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tại Ramallah ở Bờ Tây và thông báo chính quyền Mỹ ủng hộ giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Trung Đông…

Với những động thái đang diễn ra hôm nay, dư luận cho rằng, sẽ rất khó có thể mở ra các cuộc đàm phán khi Israel không ngừng xây dựng các khu định cư mới trên đất của người Palestine. Nền hòa bình Trung Đông một lần nữa thu hút sự quan tâm của khu vực và thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chưa thể khai thông bế tắc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.