(HNM) - Trong 3 tháng đầu năm, đã có 10/44 "điểm đen" ùn tắc giao thông (UTGT) ở thành phố được giải quyết. Có thể nói, đây là kết quả rất đáng mừng, nếu chỉ so sánh định lượng thuần túy.
Cụ thể, trong giai đoạn 2012-2015, toàn thành phố chỉ giải quyết được 59 "điểm đen" ùn tắc và có nguy cơ ùn tắc, nhưng cũng phát sinh hơn chục "điểm đen" mới. Vậy mà, trong 3 tháng giải quyết được những 10 "điểm đen", mừng quá đi chứ. Nỗ lực và kết quả đạt được thật đáng biểu dương. Thế nhưng, UTGT còn diễn biến rất phức tạp, tùy theo thời điểm, hoàn cảnh cụ thể nên không thể quá lạc quan, bằng lòng...
Để giải quyết UTGT, không phát sinh "điểm đen" mới, đòi hỏi phải xác định rõ nguyên nhân, trên cơ sở đó tìm ra giải pháp xử lý dứt điểm. Thẳng thắn đánh giá, việc hoàn thành, đưa vào sử dụng nhiều công trình hạ tầng đóng vai trò quan trọng trong giải quyết UTGT thời gian qua. Ngoài hàng loạt dự án trọng điểm, việc làm cầu vượt nhẹ; thu hẹp vỉa hè, dải phân cách giữa để tăng khả năng lưu thoát giao thông… là tác nhân chính góp phần giải quyết "điểm đen" UTGT, được đánh giá là những "sáng kiến" hữu hiệu. Ngay trong 3 tháng đầu năm nay, việc đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa vào khai thác hàng loạt dự án giao thông trọng điểm ở thành phố đã góp phần giải quyết 6 "điểm đen". Việc khảo sát, điều chỉnh tổ chức giao thông phù hợp với hạ tầng, lưu lượng phương tiện cũng góp phần giải quyết được 4 "điểm đen" khác.
Theo đánh giá của lực lượng liên ngành, các công trình trọng điểm đang thi công gây chiếm dụng lòng đường gây ra tới 38,6% "điểm đen"; việc đưa các khu nhà ở mới vào khai thác khiến mật độ tham gia giao thông tăng đột biến ở các tuyến đường xung quanh khu vực, là nguyên nhân gây ra tới 15% số "điểm đen"… Mục tiêu đề ra từ nay đến cuối năm 2016 là phấn đấu giải quyết thêm 14 "điểm đen". Không phải vô cớ mà lực lượng chức năng đặt ra mục tiêu khiêm tốn như vậy. Ùn tắc, tai nạn giao thông luôn diễn biến vô cùng phức tạp, khó lường và đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp mới có thể giải quyết dứt điểm.
Theo Sở GT-VT, việc rào đường để thi công các công trình trọng điểm cùng với lượng người, phương tiện gia tăng không ngừng gây sức ép lớn lên hệ thống hạ tầng. Dự kiến trong số 14 "điểm đen" được giải tỏa trong thời gian tới, có 7 điểm được giải quyết nhờ đưa dự án vào khai thác, còn lại là nhờ giải pháp điều chỉnh, tổ chức giao thông hợp lý với thực tiễn. Có thể thấy, giải pháp đầu tư, xây dựng hạ tầng tiếp tục đóng vai trò vô cùng quan trọng và dễ nhận thấy. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với phủ nhận những đóng góp của các giải pháp vô hình khác. Tiếp tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng là cần thiết, cấp thiết, nhưng chưa đủ. Vấn đề đặt ra là phải tích cực, nỗ lực hơn trong việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến căn cơ. Giao thông cũng như dòng nước chảy, nếu xử lý cục bộ chỗ này có thể dẫn tới ùn ứ chỗ khác. Việc quy hoạch, điều tiết, bố trí dân cư, phương tiện hợp lý, tổ chức giao thông khoa học trên cơ sở hạ tầng đang giữ vai trò vô cùng quan trọng để bảo đảm hài hòa phát triển. Tiếc là, hệ thống xe buýt đã tới ngưỡng vài năm nay, trong khi các loại hình vận tải công cộng khác như tàu điện, xe buýt nhanh vẫn chưa thể đưa vào khai thác để san sẻ gánh nặng. Khi năng lực vận tải công cộng hạn chế thì cũng khó kêu gọi, vận động nâng cao ý thức, từ bỏ phương tiện cá nhân. Việc di dời trường học, bệnh viện, cơ quan công sở ra khỏi nội đô chậm chạp, trong khi tiến độ hình thành các khu nhà cao tầng mới với số lượng văn phòng, căn hộ chung cư ngay trong khu vực trung tâm lại diễn ra theo chiều ngược lại. Nhiều giải pháp đồng bộ đã được xác định từ lâu, nhưng việc thực hiện còn hạn chế... Không quyết liệt giải quyết những bất cập ấy thì rõ ràng chưa thể bằng lòng…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.