Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chưa rời “bầu sữa”

Nguyễn Triều| 18/09/2011 06:40

(HNM) - Nhiều "đại gia" hùng mạnh như Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Xăng dầu (Petrolimex), Tổng Công ty Hàng hải... có hàng vạn lao động, vốn nhiều chục nghìn tỷ đồng, thành lập đã hàng chục năm, vẫn không thể rời bầu sữa - ngân sách nhà nước.


Trả lời câu hỏi tại sao Nhà nước dùng tiền ngân sách, với nguồn chính là thuế thu từ đóng góp của dân, để trả nợ cho những doanh nghiệp thua lỗ, ông Nguyễn Thành Đô, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính, giải thích là việc bảo lãnh này nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm ăn, vì làm ăn có khi lỗ khi lãi. Nhìn chung đại đa số được bảo lãnh đều làm ăn tốt...

Không rõ họ tốt như thế nào sau bảo lãnh, nhưng điều kiện bảo lãnh liệu có khuyến khích người ta thua lỗ: Phải trả lại trong thời gian không quá 5 năm. Sau 3 kỳ được trả thay mà doanh nghiệp vẫn nợ, "Bộ sẽ kiểm tra, kiến nghị Thủ tướng xử lý, cần thiết thì thu tài sản thế chấp để trả nợ...".

Năm nay Điện lực Việt Nam, "Chúa Chổm" trong các đại gia lỗ và lỗ liên tục suốt bao nhiêu năm dù năm nào cũng tăng giá, thâm hụt chừng 11,7 nghìn tỷ đồng. Số tiền đó nhiều hay ít? Mấy con tính số học cho thấy từng đó đủ nuôi 28 triệu người trong một tháng và cao hơn chuẩn nghèo 20 nghìn đồng. 28 triệu vừa bằng 1/3 dân số cả nước và 1/2 dân số nông thôn!... Số "đại gia" nợ vài ba nghìn tỷ, dăm bảy trăm triệu không chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Một số ngành cũng ưa "sữa mẹ". Khác là trong trường hợp này sữa không từ ngân sách, mà từ thẳng túi dân. Nhà trường tận thu nhân năm học mới. Bệnh viện tăng viện phí và phí dịch vụ... Họ cũng được cấp ngân sách, phương tiện hoạt động mà sao toàn thua lỗ, dù những cơ sở tư nhân tương tự lợi nhuận rất tốt...

Tại sao?

Những nguyên nhân cơ bản đã được xác định: Do tổ chức, quản lý, điều hành; hệ thống pháp lý; trình độ cán bộ thừa hành...

Làm việc với Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng ngày 16-9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định rằng, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã đạt nhiều thành công nhưng tiêu cực vẫn còn nhiều trong các cơ quan, các địa phương; nặng nhất là tham ô, lãng phí, chạy chức quyền...

Mặc dù ông Ngô Chí Dũng, nguyên Tổng Giám đốc Công ty BV Pharma, nói ông cho Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang vay 2 tỷ đồng năm 2007, là "nhạy cảm và khó phân phải trái", nhưng dư luận vẫn băn khoăn với vô vàn câu hỏi xoay quanh cái sự "nhạy cảm" ấy.

Ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên BCT, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đánh giá, số vụ tham nhũng bị phát hiện còn rất ít so với sự thật và càng ít hơn là những vụ được xử lý.

Đó là những nguyên nhân dẫn đến trì trệ, thua lỗ, lạm phát... Về lý thuyết, cơ chế bao cấp đã bị xóa bỏ, nhưng nhiều nguyên tắc cơ bản của nó vẫn tồn tại, như quy định về tổ chức, đào tạo, tuyển dụng; trách nhiệm, vai trò của cá nhân và tập thể...

Và các đại gia rất biết tận dụng bầu sữa mẹ.

Đã đến lúc phải tách "bầu sữa" ngân sách khỏi các "đại gia" để họ bươn chải trong cơ chế thị trường thực sự.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chưa rời “bầu sữa”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.