(HNM) - Sáu tháng đầu năm, dù có thêm thị trường giải nguy nhưng xuất khẩu gạo của Việt Nam ở tình trạng khó khăn khi giảm cả về lượng và trị giá. Dự báo tình hình xuất khẩu 6 tháng cuối năm vẫn tiếp tục khó khăn khi nguồn cung trên thế giới đang rất dồi dào.
Gạo xuất khẩu giảm cả lượng và giá
Ngày 5-7, tại hội nghị sơ kết xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch xuất khẩu 6 tháng cuối năm tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, xuất khẩu gạo trong 6 tháng được hơn 3,4 triệu tấn, giảm gần 13% so với năm 2011. Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đạt xấp xỉ 1,6 tỷ USD, giảm so với cùng kỳ năm trước do giá bình quân giảm.
Xuất khẩu gạo 6 tháng cuối năm dự báo còn khó khăn. Ảnh: Thùy Linh |
Nguyên nhân, theo ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, giá gạo xuất khẩu quý I-2012 duy trì ở mức cao do giá trong nước cao, nhưng từ quý II-2012 bị giảm nhanh do phải cạnh tranh với gạo giá rẻ của Ấn Độ. Mặt khác, Indonesia chưa có nhu cầu nhập khẩu, Philippines nhập khẩu chậm, Cuba chỉ thực hiện hợp đồng chính phủ, không có hợp đồng thương mại, thị trường Châu Phi đã bị Ấn Độ chiếm lĩnh do Việt Nam không thể cạnh tranh nổi về giá. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam bị áp lực lãi suất cao nên phải giảm giá bán nhanh để quay vòng vốn và hạn chế chi phí bảo quản, tái chế.
Hiện tại, theo ông Nguyễn Văn Tiến, TGĐ Công ty XNK An Giang (Angimex), xuất khẩu đang khó khăn vì giá xuất khẩu và giá nội địa gần bằng nhau. Nhiều thương nhân nước ngoài vẫn đang tìm cách ép giá. Các chuyên gia dự báo, 6 tháng cuối năm, mọi phân khúc gạo xuất khẩu của Việt Nam đều bị cạnh tranh gay gắt, trong đó có Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan, Myanmar...
Năng động tìm kiếm các giải pháp
VFA cho biết, tồn kho trong các doanh nghiệp hiện hơn 1,68 triệu tấn sẽ chuyển sang quý III. Theo Bộ NN&PTNT, lượng gạo hàng hóa 6 tháng cuối năm khoảng 3,2 triệu tấn (vụ hè thu 2,9 triệu tấn và thu đông là 0,3 triệu tấn). Sáu tháng cuối năm, dự kiến có thể xuất khẩu khoảng gần 4,8 triệu tấn. Như vậy, tổng lượng gạo hàng hóa cả năm ở khoảng 8,3 triệu tấn (kể cả tồn kho năm 2011 chuyển sang), xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn và tồn kho mang sang năm 2013 ở khoảng 1,3 triệu tấn gạo.
Ông Phong cũng cho biết, trong 6 tháng cuối năm sẽ tập trung khai thác mạnh gạo cấp cao. Hiện loại gạo này của Việt Nam đang bán chạy do cạnh tranh được về giá vì gạo Thái Lan ở phân khúc này giá khá cao do Chính phủ đang bảo trợ giá cho người dân (6 tháng đầu năm, gạo cao cấp 5% tấm chiếm gần 50% cơ cấu xuất khẩu, tăng 52,66% so với cùng kỳ năm 2011). Gạo cấp trung bình và thấp sẽ giảm. Ông Phong cũng khuyến cáo, nếu tiếp tục trồng lúa cấp thấp là "chết", vì năm nay Ấn Độ đang đẩy mạnh xuất khẩu nhiều loại này và Myanmar đang tăng nhanh sản lượng xuất khẩu với giá rất thấp.
Trong 6 tháng cuối năm, Việt Nam sẽ tập trung đẩy mạnh xúc tiến các thị trường quan trọng như Indonesia, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Với thị trường Trung Quốc, trong 6 tháng đã ký hợp đồng hơn 1,2 triệu tấn gạo và đã xuất được 900 nghìn tấn, trở thành thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên ông Phong và các doanh nghiệp xuất khẩu đều cho rằng, với thị trường này cần phải chú ý và cẩn trọng trong khâu thanh toán để tránh rủi ro. Với thị trường Hàn Quốc, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho biết, vừa thắng thầu 30.000 tấn gạo và tấm. Đây chưa phải là con số lớn nhưng đang mở ra tiềm năng về một thị trường tốt cho xuất khẩu.
Theo VFA, mục tiêu xuất khẩu 7 triệu tấn có thể đạt được, thậm chí có thể hơn, tuy nhiên giá trị thì có thể không được như ý, bởi nhiều nước xuất khẩu gạo lớn, như Ấn Độ đang tồn kho 33 triệu tấn gạo, Thái Lan khoảng 11 triệu tấn, khiến giá khó có thể tăng trong thời gian tới.
Mua tạm trữ theo giá thị trường Theo VFA, Chính phủ đã cho phép thu mua tạm trữ 500.000 tấn lúa hè thu quy gạo. Ông Trương Thanh Phong cho biết, giá mà các doanh nghiệp thu mua tạm trữ cho nông dân sẽ theo giá thị trường. Tuy nhiên, việc mua tạm trữ sẽ giữ giá không giảm nhưng với những diễn biến tình hình trong nước và thế giới, thì dự báo giá cũng khó tăng được trong thời gian tới. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.