(HNM) - Theo điều tra mới nhất của Tổng cục Thống kê, số lượng người cao tuổi ở nước ta hiện chiếm khoảng 10% dân số. Tuy nhiên, số người cao tuổi khỏe mạnh không nhiều, theo báo cáo của Bộ Y tế thì có đến 95% người cao tuổi bị bệnh tật.
Trung bình mỗi người cao tuổi mắc 2,69 loại bệnh mạn tính. Điều đáng nói là bảo hiểm y tế (BHYT) có vai trò quan trọng nhằm giảm gánh nặng chi phí tiền bạc cho người bệnh, song không phải tất cả người cao tuổi đều có thẻ bảo hiểm và nếu có thẻ thì cũng không sử dụng triệt để.
Người dân làm thủ tục khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Xanh Pôn. Ảnh: Như Ý |
Bảo hiểm y tế chưa phủ khắp
Theo nghiên cứu mới đây của Viện Gia đình và giới tại Bắc bộ và TP Hồ Chí Minh, số người cao tuổi được khảo sát có BHYT chiếm tỷ lệ khá cao, 76,5% ở TP Hồ Chí Minh và 81,2% ở Bắc bộ. Tuy nhiên, có sự khác biệt đáng kể giữa các vùng, miền trong việc sử dụng các loại hình bảo hiểm và nguồn gốc bảo hiểm của người cao tuổi (chế độ bảo hiểm hưu trí, mua tặng, tự mua hoặc được hỗ trợ một phần để mua). Tuy bảo hiểm do Nhà nước cấp là loại hình phổ biến nhất ở người cao tuổi, nhưng có sự chênh lệch lớn về tỷ lệ. Ở TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ người cao tuổi có loại bảo hiểm này chỉ chiếm 1/2 số người được hỏi; trong khi đó, ở Đồng bằng Bắc bộ, tỷ lệ này lên tới 81,2%. Bù lại, tỷ lệ người cao tuổi ở TP Hồ Chí Minh tự mua bảo hiểm rất cao, chiếm tới 41,6% - cao gấp gần 6 lần ở miền Bắc. Tỷ lệ người cao tuổi mua BHYT tự nguyện cao cho thấy người cao tuổi đã nhận thức được những lợi ích mà BHYT mang lại, nhưng cũng chỉ ra rằng, tỷ lệ mua BHYT tự nguyện phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện kinh tế, đời sống của người cao tuổi ở từng vùng. Và vì thế, việc Nhà nước cấp và các tổ chức xã hội mua tặng đã giúp giảm gánh nặng kinh tế rất lớn cho gia đình trong việc chăm sóc người cao tuổi khi ốm đau, nhất là với những gia đình khó khăn.
Nghiên cứu cũng cho thấy, một tỷ lệ nhỏ người cao tuổi đã được nhận BHYT do các tổ chức xã hội mua tặng (miền Bắc: 7,1%, TP Hồ Chí Minh: 4%). Nước ta đang trong tiến trình hoàn thiện nền kinh tế thị trường, đẩy mạnh việc thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác y tế, thu hút các thành phần kinh tế tham gia cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, số liệu nghiên cứu tuy chưa đầy đủ, chỉ mang tính bước đầu nhưng đã phần nào cho thấy chủ trương xã hội hóa công tác y tế góp phần giảm bớt gánh nặng cho người cao tuổi, nhất là với những gia đình nghèo. Tuy thế, dù BHYT mang lại những lợi ích to lớn cho người cao tuổi và gia đình họ, nhưng hiện nay quỹ BHYT không đủ khả năng chi trả 100% chi phí khám, chữa bệnh. Mặt khác, số người cao tuổi chưa có BHYT ở cả hai miền còn khá nhiều. Trong số những lý do khiến người cao tuổi chưa mua bảo hiểm, kinh tế vẫn là lý do lớn nhất. Đáng chú ý là tỷ lệ người muốn mua nhưng không có người hướng dẫn và không biết cách mua chiếm khoảng 17% ở cả hai miền, cho thấy còn những nhóm người cao tuổi vẫn chưa được tuyên truyền đầy đủ về chương trình BHYT tự nguyện. Điều này đã làm giảm cơ hội tiếp cận thông tin và chính sách của người cao tuổi.
Có thẻ nhưng không sử dụng
Theo Thạc sĩ Lê Ngọc Lân, Viện Gia đình và giới, có khoảng 1/5 số người cao tuổi được hỏi ở TP Hồ Chí Minh nói rằng họ không mua BHYT tự nguyện vì chương trình này không có nhiều tác dụng. Trên thực tế, ngay cả những người có thẻ BHYT đôi khi cũng không sử dụng thường xuyên để khám bệnh. Theo tổng kết của Hội Người cao tuổi Việt Nam, số người cao tuổi dùng thẻ BHYT để khám, chữa bệnh mới chiếm khoảng 1/3 tổng số người có thẻ. Nguyên nhân chủ yếu là do việc khám, chữa bệnh bằng thẻ chưa thuận tiện. Bên cạnh đó, chất lượng khám, chữa bệnh theo chế độ BHYT và thẻ bảo hiểm còn nhiều vấn đề. Theo đánh giá của nhiều người, chất lượng khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT thấp hơn nhiều so với chất lượng chăm sóc sức khỏe theo cách tự bỏ tiền và đây có thể là nguyên nhân khiến cho một bộ phận người cao tuổi còn ngần ngại với BHYT.
Theo dự báo, đến năm 2050 số lượng người cao tuổi ở nước ta sẽ tăng lên nhanh chóng, chiếm khoảng 1/3 dân số. Chính vì vậy, việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi sẽ là một thách thức lớn. Để đẩy mạnh công tác này, giúp người cao tuổi sử dụng BHYT nhiều hơn, theo Thạc sĩ Lê Ngọc Lân, ngay từ bây giờ cần có những biện pháp mạnh để cải thiện chất lượng khám, chữa bệnh theo BHYT, có như vậy mới tạo được lòng tin của người cao tuổi vào bảo hiểm và qua đó giảm bớt gánh nặng cho gia đình người cao tuổi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.