(HNM) - Những trái cây như mít, chuối, đu đủ… được hái khi còn xanh chỉ sau một đêm phun, ủ bằng một loại hoạt chất có nguồn gốc từ Trung Quốc đã trở thành trái chín, mẫu mã đẹp, bắt mắt người mua.
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), đó là loại hóa chất thúc chín trái cây không nằm trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) được sử dụng, gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, đến nay việc quản lý về vấn đề này vẫn chưa được kiểm soát.
Chuối là một trong những loại quả bị phun hóa chất chín ép. |
Chất độc hại được bày bán tràn lan
Dọc theo tuyến phố Nguyễn Trãi (Thanh Xuân), đoạn đường Hồ Tùng Mậu, phường Mai Dịch (Cầu Giấy), chợ Long Biên, chợ Hà Đông… la liệt những quầy bán hoa quả với đủ loại như táo, lê, đu đủ, chuối… Chủ hàng giới thiệu đây là những trái cây được thu mua tại các vườn quả của Hà Nội và Đồng bằng Nam bộ. Chị Đặng Thị Thủy, một tiểu thương bán hoa quả tại chợ Hà Đông cho biết, nghe nói có loại thuốc chỉ cần phun hoặc ủ sau một đêm quả sẽ chín, mẫu mã đẹp, còn ủ thuốc ở khâu nào thì không biết vì vòng quay của hoa quả từ sản xuất đến tiêu thụ qua rất nhiều nơi. Vì vậy, hôm nào bán không hết hàng chị cũng không dám cho mọi người trong gia đình ăn vì sợ nguy hại.
Cục trưởng Cục BVTV Nguyễn Xuân Hồng thừa nhận, việc sử dụng hóa chất nhằm kích cho trái cây nhanh chín là có thật, đó là chất Etherl không có trong danh mục thuốc BVTV được sử dụng. Hiện tình trạng này đang tồn tại ở nhiều địa phương như Hà Nội, Hưng Yên, TP Hồ Chí Minh… Theo nghiên cứu của các nhà chuyên môn, nếu hóa chất này được dùng để ngâm tẩm hoặc phun trực tiếp lên quả sẽ gây nguy hại đến sức khỏe người dùng. Loại thuốc này được nhiều nhà máy ở Trung Quốc sản xuất và có giá rất rẻ, chỉ 1.000 -1.500 đồng/ống thuốc 5ml. Một ống như vậy có thể làm chín nhiều trái quả.
Trước những lo ngại của người tiêu dùng, từ đầu năm đến nay Chi cục BVTV Hà Nội đã phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra một số chợ ở Hà Nội. Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội Nguyễn Duy Hồng cho biết, Chi cục đã lấy 801 mẫu (rau, quả và trà) để phân tích, kiểm định, phát hiện 7/727 mẫu có dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng cho phép. Về hàm lượng kim loại nặng, trong tổng số 801 mẫu, Chi cục đã chọn ngẫu nhiên 600 mẫu để phân tích, hiện đã có kết quả 519 mẫu, trong đó có 473 mẫu phát hiện có hàm lượng kim loại nặng nhưng đều dưới ngưỡng cho phép.
Chưa thể xử lý
Mặc dù thừa nhận việc sử dụng thuốc thúc chín hoa quả là có thật, đã xảy ra nhiều năm trên phạm vi rộng nhưng Cục BVTV vẫn chưa có biện pháp để giải quyết tình trạng này. Theo Cục trưởng Nguyễn Xuân Hồng, do chưa có doanh nghiệp nào đăng ký nhập khẩu nên cơ quan chức năng chưa tổ chức đánh giá, khảo nghiệm và có hình thức xử lý. Thực tế, nhiều nước xuất khẩu trái cây trên thế giới cũng sử dụng chất bảo quản để hoa quả nhanh chín và tươi lâu hơn, thuận lợi trong vận chuyển và buôn bán. Song đó là những hóa chất được kiểm nghiệm và cấp phép sử dụng với liều lượng giới hạn. Còn tại Việt Nam, một số loại thuốc có tính chất kích thích trái cây nhanh chín cũng nằm trong danh mục thuốc BVTV được sử dụng, tuy nhiên tới thời điểm này chưa có doanh nghiệp nào được cấp phép nhập khẩu các loại thuốc đó. Như vậy là thuốc thúc chín Etherl đang sử dụng trên thị trường hoàn toàn là hàng trôi nổi được nhập lậu. Đây chính là điều đáng lo ngại.
Vấn đề bức xúc là vậy nhưng đến nay các ngành chức năng vẫn chưa có câu trả lời. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát trong cuộc họp về chất lượng an toàn nông sản mới đây của Bộ Nông nghiệp cũng băn khoăn: Thương lái mua cả vườn, cả quả xanh lẫn quả chín. Mang về nhà, họ dùng chất bảo quản để làm chín quả xanh, quả chín thì được xử lý cho tươi lâu hơn. Vậy phải kiểm soát, xử lý như thế nào cho hiệu quả ?(!)…
Do chưa có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng nên đến nay chất lượng hoa quả trên thị trường vẫn bị thả nổi, còn người tiêu dùng thì không biết tin vào đâu. Cục trưởng Cục BVTV Nguyễn Xuân Hồng cho biết, thực trạng là vậy nhưng việc quản lý và xử lý sai phạm trong lĩnh vực này rất khó. Trên thực tế, hoa quả bày bán ở các chợ không có xuất xứ từ vườn quả nào, cũng không rõ tên địa chỉ đơn vị phân phối sản phẩm nên dù các ngành chức năng có phát hiện sai phạm cũng chỉ đến mức tiêu hủy chứ không thể xử lý.
Ông Phạm Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội cho biết, tại Hà Nội, đa phần các chủ vườn cây ăn quả, đặc biệt là những vùng cây ăn quả được quy hoạch không sử dụng thuốc thúc chín. Tình trạng này chỉ xảy ra khi các tiểu thương đã mua gom hàng về và xử lý tại nhà rồi đem bán tại các chợ. Có ý kiến cho rằng, muốn chấm dứt tình trạng này, phải hình thành được chuỗi sản xuất, đặc biệt là ổn định đầu ra cho nông dân. Sản phẩm xuất đi cần được kiểm nghiệm và có đơn vị chịu trách nhiệm rõ ràng. Về lâu dài, các ngành chức năng cần có biện pháp quản lý từ khâu sản xuất đến tiêu dùng. Đặc biệt, cần tuyên truyền để người sản xuất và các tiểu thương hiểu và không sử dụng thuốc BVTV ngoài danh mục quy định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.