(HNM) - Nhìn lại chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thời gian qua và dự báo về diễn biến trong những tháng tới để
Chỉ số giá tiêu dùng năm nay khó vượt ngưỡng tăng 7%. Ảnh: Như Ý |
CPI đang trong tình trạng ổn định
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số CPI cả nước tháng 6 tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 4,98% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây tiếp tục là mức tăng thấp, cho thấy sức mua xã hội vẫn chưa hồi phục. Giới chuyên gia nhận định: Nhìn chung CPI chưa thể tăng cao chủ yếu do tổng cầu bị ghìm nén dưới ảnh hưởng của sự tồn đọng nhiều loại sản phẩm, hàng hóa trong suốt thời gian vừa qua. Bên cạnh đó, mức thu nhập của đại bộ phận dân cư đều không thay đổi hay cải thiện như mong muốn.
Nhìn chung, các nhóm hàng hóa đều tăng thấp. Cụ thể, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,28%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,3%; may mặc, mũ nón và giầy dép tăng 0,22%; nhà ở, vật liệu xây dựng tăng 0,61%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,2%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,74%; giao thông tăng 0,18%; giáo dục tăng 0,01%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,27%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,23%. Riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm chút ít. CPI tại một số đô thị lớn vẫn trong tình trạng "chậm lớn", gây sốt ruột cho giới sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, trên địa bàn Hà Nội, CPI tháng 6-2014 chỉ tăng 0,08% so với tháng trước. Mức tăng này thấp hơn so với mức tăng chung của cả nước dù những năm gần đây CPI trên địa bàn Thủ đô thường có mức tăng cao hơn hẳn so với nhiều tỉnh, thành phố khác. Đáng lưu ý, lương thực và thực phẩm đã giảm do nguồn cung dồi dào khi miền Bắc được mùa, nhiều loại nông sản, đạt năng suất cao. Các mặt hàng khác trong nhóm lương thực như mì tôm, bánh đa, khoai lang... đang giữ giá ổn định.
Như vậy, nền kinh tế đã vận hành qua nửa thời gian của một năm và tính chung thì CPI tăng chưa quá 5% - là mức rất thấp so với cùng kỳ của nhiều năm gần đây. Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, hiện các mặt hàng nông sản, thực phẩm vốn là yếu tố quan trọng thúc đẩy CPI nhưng lại đang trong tình trạng ổn định về nguồn cung và giá cả; nhiều loại nông sản cho năng suất cao, đang vào chính vụ. Trong khi đó, một số lo ngại về khả năng tăng giá đối với nhóm hàng này do tình trạng khô hạn, gây tác động xấu đến lĩnh vực trồng trọt ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và một vài vùng khác đã không diễn ra nhờ những đợt mưa vừa xuất hiện "rất kịp thời".
Mức tăng CPI của năm 2014 sẽ tiếp tục xu hướng thấp, bởi rất khó có sự đột biến diễn ra trong khi sức cầu xã hội chưa thật sự hồi phục sau thời gian dài nền kinh tế rơi vào trì trệ. Tính chung, CPI của năm nay sẽ khó tăng cao và được dự báo là khó vượt ngưỡng tăng 7%, tức dưới mức chỉ tiêu cho phép từ đầu năm. |
... Nhưng có thể sẽ bị đẩy lên cao
Trên thực tế, vẫn còn một số yếu tố có thể kích đẩy CPI tăng nhanh hơn trong những tháng còn lại của năm 2014. Đó là, sự lo ngại về diễn biến khí hậu, thủy văn thất thường có thể xảy ra. Điều này hoàn toàn có cơ sở bởi thời tiết nắng nóng, oi bức đã diễn ra trong suốt 2 tháng qua, đang ẩn chứa khả năng phát sinh hiện tượng bão lũ khắc nghiệt trong mùa mưa bão sắp tới. Nếu có bão lũ, nhất là khi diễn ra trên diện rộng và để lại hậu quả nghiêm trọng sẽ gây ra tình trạng khan hiếm các loại nông sản, thực phẩm cục bộ, rồi đẩy giá của nhóm hàng lương thực, ăn uống lên cao. Đó là nguyên nhân làm CPI tăng do yếu tố khách quan bất khả kháng.
Ở thời điểm hiện tại, nhiều chuyên gia kinh tế cũng dự báo CPI tháng tới sẽ tăng cao hơn tháng 6, bởi đợt tăng giá xăng dầu (nguyên liệu đầu vào của nền kinh tế và hoạt động xã hội) mới đây chắc chắn sẽ đẩy giá cước vận tải, dịch vụ du lịch, đi lại tăng lên. Về nguyên tắc, một khi giá nhiên liệu tăng tức là phần lớn các nhóm hàng còn lại sẽ bị ảnh hưởng và tăng theo. Đáng lưu ý, nền kinh tế luôn có đặc điểm sôi động hơn vào nửa sau của mỗi năm trong khi sản xuất công nghiệp cả nước đang từng bước hồi phục nên sẽ làm gia tăng nhu cầu tiêu thụ nhiều loại nguyên liệu, vật tư. Ngoài ra, hoạt động du lịch vẫn giữ được phong độ, với nguồn khách nội địa phong phú cũng tạo thêm cơ hội cho thị trường những tháng cuối năm. Mức cầu xã hội sẽ tăng đều qua từng tháng, khiến hàng hóa được tiêu thụ với tốc độ nhanh hơn, đồng thời giá thành của nhiều loại sản phẩm đầu ra cũng sẽ tăng theo. Những yếu tố trên sẽ đẩy CPI tăng cao hơn so với mức tăng của các tháng vừa qua, nhưng cũng không thể tăng mạnh như mong đợi của giới doanh nghiệp và các cơ sở phân phối bán lẻ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.