(HNM) - Chỉ còn ít ngày nữa là Nghị định số 20/2010 NĐ-CP của Chính phủ về chính sách dân số nhằm hướng dẫn việc thực thi Điều 10 sửa đổi Pháp lệnh Dân số năm 2003 sẽ có hiệu lực thi hành (từ ngày 29-4). Tuy nhiên, ngay sau khi được ban hành, công tác tuyên truyền về nghị định đã gặp
Sự cố này đã được khắc phục song tại nhiều địa phương vướng mắc lại nằm ở Khoản 4, Điều 2 của nghị định. Nhiều cán bộ ngành dân số lo ngại về một "phong trào" lách luật đang hình thành và hậu quả là số người sinh con thứ 3 trở lên sẽ tăng cao.
Tư vấn sức khỏe sinh sản, DS-KHHGĐ cho phụ nữ trên địa bàn huyện Gia Lâm. Ảnh: Nguyệt Ánh |
Lại chuyện "lách" câu chữ
Tại Khoản 4, Điều 2 của Nghị định 20/2010 NĐ-CP (ra đời ngày 8-3) quy định: "Cặp vợ chồng sinh lần thứ 3 trở lên, nếu tại thời điểm sinh chỉ có 1 con đẻ còn sống, kể cả con đẻ đã cho làm con nuôi". Theo đó, nhiều người suy diễn rằng nếu cặp vợ chồng đã có 2 con, cho 1 con đi làm con nuôi thì tiếp tục sinh lần thứ 3 mà không vi phạm.
Trong chuyến cùng đi giám sát chiến dịch tăng cường truyền thông lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ với Chi cục Dân số - KHHGĐ Hà Nội tại huyện Thường Tín, ông Nguyễn Trọng Mặn, cán bộ chuyên trách DS xã Dũng Tiến cho phóng viên Hànộimới biết, mấy năm gần đây số sinh và sinh con thứ 3 của xã tăng đột biến; phải khó khăn, quyết liệt lắm thì đến năm 2009, xã Dũng Tiến mới từng bước kiềm chế được với số trẻ sinh giảm 9 cháu so với năm trước, nhưng số con thứ 3 trở lên vẫn ở mức cao, 20 cháu dù đã giảm 18 cháu so với năm 2008. Đáng lo ngại hơn là năm 2010 này số sinh con thứ 3 đang có chiều hướng tăng trở lại mà nguyên nhân cũng là do người dân "hiểu nhầm" câu chữ trong Nghị định 20. Đa phần người dân cho rằng Nghị định 20 đã "cho phép" sinh thêm con thứ 3 với điều kiện cho bớt con làm con nuôi.
Chị Đỗ Thị Hải Liên, cán bộ chuyên trách DS xã Nghiêm Xuyên cho biết, những ngày qua rất nhiều chị em đã có 2 con đến hỏi về việc được sinh con thứ 3 khi đã cho một đứa đi làm con nuôi. Chị Liên tỏ ý quan ngại hơn vì hiện nay nhiều cán bộ công chức cũng đã "kháo" nhau như vậy, nhất là những người đang có 2 con một bề là gái tỏ ra "hào hứng" và kết quả là không ít người xuất hiện tư tưởng sinh thêm con thứ 3.
Cán bộ chuyên môn lúng túng
Trăn trở về điều này, TS Lê Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín cho rằng, công tác tuyên truyền về thực hiện chính sách DS-KHHGĐ đang gặp khó khăn từ Nghị định 20. Vì vậy, những quy định này cần được giải thích rõ. Không chỉ Hà Nội mà ở các tỉnh, thành khác trong cả nước công tác DS-KHHGĐ cũng đang bị vướng mắc về điều này. Tại hội thảo do Tổng cục Dân số-KHHGĐ mới vừa tổ chức cuối tháng 3 cho thấy nhiều tỉnh, thành cũng đang gặp khó khăn trong công tác tuyên truyền Nghị định 20 này.
Là địa phương có tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh rất cao 125/100 (trai/gái), Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hưng Yên lo ngại tình trạng hiểu nhầm của một bộ phận nhân dân ngày càng lan rộng, nếu công tác tuyên truyền không làm khéo, làm mạnh sẽ dẫn tới tình trạng tăng sinh con thứ 3, kéo theo đó là cả việc lựa chọn giới tính thai nhi.
Góp thêm một chuyện có liên quan đến việc cho con nuôi, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Vĩnh Phúc cho biết, từ những năm 1993-1994, tại một huyện của Vĩnh Phúc, ông Chủ tịch UBND huyện đã yêu cầu điều tra về một y sỹ sinh con thứ 3 mà trước đó đã làm thủ tục cho con làm con nuôi. Vài năm sau, khi ông chủ tịch này nghỉ hưu, chính con trai ông cũng lại làm thủ tục cho con làm con nuôi rồi sinh con lần thứ 3 để có được cậu ấm "nối dõi tông đường".
Như vậy, để tháo gỡ cho công tác tuyên truyền chính sách DS-KHHGĐ và Nghị định 20 đi vào cuộc sống đúng với tinh thần, nội dung theo Pháp lệnh Dân số sửa đổi thì cần phải có văn bản định hướng, chiến lược tuyên truyền mạnh nhằm giải thích rõ để người dân không bị hiểu lầm.
Những trường hợp không vi phạm quy định sinh một hoặc hai con 1. Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu cả hai hoặc một trong hai người thuộc dân tộc có số dân dưới 10.000 người hoặc thuộc dân tộc có nguy cơ suy giảm số dân (tỷ lệ sinh nhỏ hơn hoặc bằng tỷ lệ chết) theo công bố chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. 2. Cặp vợ chồng sinh lần thứ nhất mà sinh ba con trở lên. 3. Cặp vợ chồng đã có một con đẻ, sinh lần thứ hai mà sinh hai con trở lên. 4. Cặp vợ chồng sinh lần thứ ba trở lên, nếu tại thời điểm sinh chỉ có một con đẻ còn sống, kể cả con đẻ đã cho làm con nuôi. 5. Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu đã có hai con đẻ nhưng một hoặc cả hai con bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo không mang tính di truyền, đã được hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh hoặc cấp trung ương xác nhận. 6. Cặp vợ chồng mà một hoặc hai người đã có con riêng (con đẻ), chỉ sinh một hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh. Quy định này không áp dụng cho trường hợp tái hôn giữa hai người đã từng có hai con chung trở lên và hiện còn đang sống. 7. Phụ nữ chưa kết hôn sinh một hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh. (Điều 2, Nghị định quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số). |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.