(HNM) - Xã Thạch Hòa (Thạch Thất) có diện tích đất tự nhiên 3.300ha, nhưng phải giải phóng mặt bằng (GPMB) gần 2.000ha chuyển đổi sang các mục đích khác, có 1.200 hộ cần bố trí tái định cư, nhiều khu dân cư mất 100% đất canh tác và thổ cư.
Bữa cơm của gia đình chị Phạm Thị Hiên thôn 6, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất tại khu nhà ở tạm của thành phố bố trí cho các hộ chờ tái định cư, chỉ giản đơn với một đĩa cá kho và bát canh rau muống. Chị Hiên thở dài, ngày trước chưa giải tỏa, có 2 sào đất bố mẹ cho, trồng chè, chăn nuôi và buôn bán vặt, cuộc sống tạm ổn. Giờ đến nơi ở mới, từ nông dân chân lấm tay bùn lên thị dân, không còn đất sản xuất, muốn xin đi làm công nhân thì con nhỏ, lương thấp nên đành ở nhà, cuộc sống trông vào người chồng đi chở hàng thuê mỗi ngày. Tuy lao động vất vả, suốt ngày còng lưng ngày nắng cũng như mưa trên chiếc xe đạp thồ chở hàng, nhưng số tiền kiếm được cũng không đủ trang trải cuộc sống và nuôi con nhỏ ăn học.
Cuộc sống của các gia đình ở xã Thạch Hòa tại khu nhà tạm của TP bố trí cho các hộ chờ tái định cư thuộc dự án đường cao tốc Hòa Lạc hết sức khó khăn do thiếu việc làm. Ảnh: Bạch Thanh
Còn hoàn cảnh của chị Bùi Thị Vui cũng trong khu nhà tạm chẳng có gì sáng sủa. Nhận tiền đền bù đất nông nghiệp được hơn một trăm triệu đồng, từ mấy năm nay anh chị dự định dùng số tiền đó để sau khi có đất tái định cư của nhà nước sẽ làm nhà, nhưng quanh đi quẩn lại, "miệng ăn núi lở", nay đã ăn tiêu vào quá nửa mà chưa biết đến bao giờ mới nhận được đất. Ở khu nhà tạm, mùa hè chưa tới đã thấy bức bối chưa kể mất nước sinh hoạt một vài ngày là chuyện không hiếm nên cuộc sống của gia đình chị hết sức khó khăn.
Xã Thạch Hòa, có khoảng 10.000 nhân khẩu nằm rải rác ở 10 thôn, thôn xa nhất cách trung tâm xã tới gần 20km. Hiện nay, đa phần diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đều nằm trong tình trạng "mượn" lại của dự án đã thu hồi để sản xuất, nên người dân không thể đầu tư chuyển đổi để nâng cao thu nhập. Việc xây dựng các khu tái định cư, để di dời các hộ dân trong khu vực dự án, cũng rất chậm. Chị Nguyễn Thị Nhàn, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết: Đã gần 10 năm nay, người dân ở hầu hết các thôn đều ăn, ở cùng các dự án. Nhà cửa, các công trình phụ đều xuống cấp, hạ tầng triển khai chậm. Nhiều thôn, học sinh học trong các trường học xuống cấp nghiêm trọng, đường giao thông liên thôn khó khăn… mà chưa được đầu tư vì nằm trong quy hoạch dự án…
Nan giải chuyển đổi nghề
Chủ tịch UBND xã Thạch Hòa Dương Như Hưng cho rằng: Địa phương phải giao đất cho 20 dự án công nghiệp, trường học, giao thông... trong đó có 3 dự án lớn là: Khu công nghệ cao Hòa Lạc; Đại học Quốc gia và đường cao tốc Láng - Hòa Lạc. Sau thu hồi đất, ở đây có nghịch lý "nhà cao tầng mọc lên, nhưng gia chủ lo ăn từng ngày", bởi thiếu việc làm. Mặc dù phần lớn các DN vào đầu tư tại địa phương đều cam kết tiếp nhận lao động vào làm việc, nhưng thực tế chẳng được bao nhiêu. Một số DN tuyển lấy lệ sau một thời gian làm việc thì sa thải với lý do trình độ người lao động chưa đáp ứng được công việc. Phía DN không muốn đào tạo nghề cho nông dân… Việc chuyển nghề cho nông dân là việc làm không phải một sớm một chiều, bởi bên cạnh sự cố gắng tìm nghề mới của chính những người nông dân còn rất cần sự hỗ trợ chuyển đổi nghề của các cấp chính quyền, nhất là từ phía thành phố.
Theo chị Nguyễn Thị Nhàn, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thạch Hòa, vấn đề giải quyết việc làm cho nông dân không còn đất sản xuất đang khó khăn bởi một bộ phận có tư tưởng thỏa mãn với cuộc sống, sau khi lấy tiền đền bù không tìm việc làm ổn định cuộc sống lâu dài. Về phía chính quyền địa phương cũng lúng túng trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế khi tư liệu sản xuất của nông dân đã giao cho các khu công nghiệp. Một thực tế đáng lo ngại là, sau khi đất đai bị thu hồi, những lao động từ 40 tuổi trở lên, họ chỉ thuần túy sản xuất nông nghiệp nên bằng cấp, trình độ chuyên môn không có. Tuy xã đã mở một số lớp dạy nghề mây tre giang đan, nhưng không có đầu ra, giá thành sản phẩm thấp nên không duy trì được nghề. Hiện nay, xã đang đẩy nhanh tiến độ GPMB 600ha. Tuy nhiên đây là một thách thức đối với chính quyền địa phương khi mà công tác chăm lo tái định cư chưa làm tốt, nhiều hạng mục dân sinh chưa được đầu tư thỏa đáng. Lãnh đạo xã Thạch Hòa kiến nghị, ngoài việc củng cố các khu tái định cư, thành phố và huyện Thạch Thất cần quan tâm hơn đến việc đầu tư cho công tác đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp cho các hộ có đất bị thu hồi mới có thể giúp người dân ổn định cuộc sống và đẩy nhanh tiến độ GPMB các dự án.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.