(HNM) - Những ngày gần đây, người hâm mộ luôn được nghe các ý kiến khác nhau xoay quanh việc nên hay không nên tìm thầy ngoại cho hai đội bóng chuyền nam, nữ để bảo đảm chỉ tiêu cho bóng chuyền Việt Nam tại SEA Games 26 sắp tới.
Trong quá khứ của thể thao thời kỳ hội nhập đã có những bài học đau xót về chuyện thuê thầy ngoại, ví như các ông C.Letard (bóng đá) và Medina (bóng chuyền nữ), thế nên mới có chuyện "kinh cung chi điểu". Mới đây nhất, sau một thời gian thử việc, ông thầy người Brazil ở đội nam đã tự ý ra đi khi chưa thỏa mãn vài điều kiện của hợp đồng và chừng mực nào đó là sự thiếu thuyết phục của chính vị HLV này. Còn ông thầy người Trung Quốc vẫn đang dẫn dắt đội nữ để lại nhiều ý kiến khác nhau khi xem những bài tập của đội. Trong khi ấy thì chỉ tiêu của đội là rất rõ ràng: nữ phải giành HCB và đội nam sẽ vào top 3. Vấn đề sẽ đi đến đâu nếu đặt lên bàn cân của dư luận và của giới chuyên môn? Để đi tìm câu trả lời cho vấn đề trên, hãy cùng nhau ngược thời gian với các cuộc thi đấu của hai đội bóng.
Việc tìm HLV ngoại cho cả đội tuyển bóng chuyền nam và nữ của Việt Nam là việc làm cần thiết. Ảnh: Nga Nguyễn |
Sau nhiều năm trở lại đấu trường khu vực, năm 2005 đội bóng chuyền nam Việt Nam lần đầu tiên giành HCĐ tại SEA Games 23 ở Philippines, mở ra một thời kỳ mới. Tuy thế, đáng tiếc là ở SEA Games sau đó, tổ chức trên đất Thái Lan, đội tuyển Việt Nam đã thua ở SEA Games 24 và lý do là sai lầm của HLV, khiến "oanh tạc cơ" Ngô Văn Kiều không phát huy được khả năng. Chính sự sai lầm về đấu pháp đã khiến chúng ta mất đi cơ hội không thể nào tốt hơn để vươn lên tầm cao khu vực, đành nhận tấm HCB đầy tiếc nuối. Cái sảy nảy cái ung, 2 năm sau khi tham dự sân chơi khu vực, đội bóng chuyền nam Việt Nam lại thua ở SEA Games 25 do yếu kém từ thầy đến trò. Đến nỗi đội ta bị xếp hạng 4, dưới cả Myanmar sau khi thua đội bóng này đến 0-3, tất nhiên cũng bị lép vế và thua trận trước 2 "kỳ phùng" là Indonesia và Thái Lan. Năm 2010, khi thể thao Việt Nam lên đường tới Quảng Châu, Trung Quốc để tham dự, đội bóng chuyền nam Việt Nam lại thua thê thảm trong cả 7 trận đấu và để lại một dư âm buồn. Còn đội nữ, sau tấm HCB lần đầu tiên có được tại Malaysia ở SEA Games 21, các cô gái bóng chuyền đã liên tiếp "về nhì" khu vực, chỉ sau đội Thái Lan hùng mạnh. Căn cứ vào phong độ của các VĐV bóng chuyền Việt Nam, việc đội nữ đủ sức bảo vệ tấm HCB là hiện thực, song với đội nam lại không đơn giản.
Cách đây nửa thế kỷ, bóng chuyền Việt Nam đã có HLV Lý Đức Kim và đội hình xuất sắc khi hạ đội chủ nhà Indonesia đến 3-0 tại Đại hội Ganefo ở trận đấu có sự hiện diện của Tổng thống Xucarno. Hiện tại, sự thật là chúng ta đang rất thiếu những ông thày giỏi, bóng chuyền Việt Nam không thiếu các vận động viên có tài năng song lại rất cần có những người thày vừa thành thục về kỹ năng của môn thể thao này lại vừa nhanh chóng tiếp cận được các tiến bộ về khoa học thể thao trong đà phát triển như vũ bão của các quốc gia khác. Thực tế cho hay, các HLV của Việt Nam đa số là hành nghề bằng chủ nghĩa kinh nghiệm là chính. Trong khi đó, sau giải bóng chuyền nữ các câu lạc bộ châu Á vừa qua, vai trò của HLV ngày càng được quan tâm khi những cuộc thi đấu đang đạt đến tầm cao chuyên môn, rất cần có những bộ óc tinh tường và những quyết sách tức thì, vì thế, dư luận ủng hộ bóng chuyền Việt Nam trong nỗ lực tìm ra các thuyền trưởng đúng nghĩa để đưa con thuyền bóng chuyền Việt Nam về đích tại kỳ SEA Games 26 sắp tới. Cho dù có khó khăn song cơn khát thày ngoại của bóng chuyền Việt Nam cần được giải mã, càng nhanh càng tốt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.