(HNM) - Để góp phần hạn chế tình trạng quá tải bệnh viện, đồng thời giải quyết phiền hà trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT), Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đang cùng với các ngành chức năng xây dựng lộ trình đưa khám chữa bệnh BHYT về phường, xã.
Người dân đến khám bệnh BHYT ở phường còn hạn chế. |
TP Hồ Chí Minh hiện có hơn 4,8 triệu người tham gia BHYT, đạt 63,4% dân số. Tuy nhiên, công tác khám chữa bệnh BHYT vẫn còn không ít bất cập, gây bức xúc cho người dân. Bà Nguyễn Thị Huyền (quận Phú Nhuận) cho biết, mỗi lần khám bệnh BHYT là mất cả ngày. "Đến bệnh viện từ 7h nhưng đến 9-10h vẫn chưa được khám. Khám xong thì mãi tới 14h cũng mới được cấp thuốc". Bà Nguyễn Thị Kim Anh (huyện Bình Chánh) cho rằng khám BHYT phải chờ đợi rất sốt ruột, nhưng khi đến lượt thì bác sĩ chỉ khám qua loa. Nhiều người đã so sánh cho rằng có sự phân biệt đối xử giữa khám bảo hiểm và khám dịch vụ, biểu hiện rất rõ ở một số bệnh viện.
Trước bức xúc của người dân, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh khẳng định quyết tâm từ nay đến cuối năm 2013 triển khai công tác khám bệnh bằng BHYT ở tất cả các phường, xã trên địa bàn thành phố. Trong đó, các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Cần Giờ, Nhà Bè, các quận 3, 4, Bình Thạnh và Phú Nhuận đã có trạm y tế được xác nhận đủ điều kiện khám bệnh BHYT. Ngoài điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất, mỗi trạm y tế khám BHYT có ít nhất 2 bác sĩ và 2 điều dưỡng. Theo bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Trưởng phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế), Sở đã tiến hành thẩm định và công nhận 64 trạm y tế phường, xã có đủ điều kiện theo quy định của Luật BHYT được phép triển khai khám chữa bệnh BHYT ban đầu kể từ tháng 6-2013. Tuy nhiên, thực tế triển khai thí điểm khám BHYT tại 3 phường của quận Bình Thạnh, những tháng đầu số bệnh nhân chuyển từ bệnh viện quận xuống trạm y tế phường khoảng 30 đến 40 người/tháng, nhưng những tháng sau ít dần, có tháng chỉ còn 5-6 người.
Bà Lưu Thị Thanh Huyền, Phó Giám đốc BHXH TP Hồ Chí Minh cũng đồng tình với việc triển khai khám bệnh BHYT ban đầu ở tuyến cơ sở, nhưng chỉ nên triển khai ở các quận, huyện ngoại thành để tránh lãng phí. Bởi ở các quận trung tâm, đã có nhiều bệnh viện, người dân không cần đến trạm y tế mà đến luôn những bệnh viện gần nhà. Cũng theo Phó Giám đốc BHXH TP Hồ Chí Minh, nếu không tuyên truyền tốt thì sẽ khó khăn dù trạm y tế đủ điều kiện nhưng người dân không đăng ký về tuyến xã để khám chữa bệnh BHYT. Vấn đề quan trọng để triển khai hiệu quả là tùy thuộc vào mức độ tin tưởng của người dân đối với cơ sở y tế tuyến dưới. Vì vậy, trước mắt cần trang bị hệ thống công nghệ thông tin trong tiếp nhận bệnh nhân BHYT, làm sao để người đăng ký BHYT có một mã số suốt đời.
Theo kế hoạch, phải đến năm 2015 TP Hồ Chí Minh mới tuyển chọn, đào tạo được khoảng 800-1.200 cán bộ y tế phục vụ cho lộ trình đưa khám bệnh ban đầu về cơ sở. Thế nên, trong lúc chờ triển khai đồng bộ việc thực hiện khám bệnh BHYT ở cơ sở, e rằng người dân thành phố vẫn phải chấp nhận chuyện quá tải, chờ đợi và nhất là chất lượng khám, chữa bệnh chưa đáp ứng yêu cầu và mong mỏi của người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.