Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chưa có sự phân định rõ ràng

Quỳnh Phạm| 07/10/2014 06:45

(HNM) - Tuần qua, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) đã đưa ra dự thảo lần thứ nhất nghị định về quy định phân tầng và xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) để lấy ý kiến đóng góp. Đây là một chủ trương nhận được nhiều sự đồng tình từ dư luận, bên cạnh đó cũng còn có những băn khoăn về tiêu chí và cách thực hiện.


Bước đi phù hợp quy luật

Theo Bộ GD-ĐT, việc phân tầng cơ sở giáo dục ĐH nhằm phục vụ công tác quy hoạch mạng lưới các trường phù hợp với yêu cầu cơ cấu nguồn nhân lực trong từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đây là căn cứ để các trường xác định mục tiêu đào tạo trung hạn và dài hạn, xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển, nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu khoa học phù hợp, đồng thời là cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước xây dựng cơ chế chính sách và thực hiện quản lý nhà nước đối với hệ thống giáo dục ĐH. Đặc biệt, việc xếp hạng nhằm công khai, minh bạch chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, làm cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước có cơ chế đặt hàng, đầu tư phù hợp; tạo sự cạnh tranh lành mạnh, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học trong toàn hệ thống.

Dự thảo quy định phân tầng, xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học đang được lấy ý kiến rộng rãi. Ảnh: Thanh Hải



Cụ thể, các cơ sở giáo dục ĐH sẽ gồm 3 tầng: Định hướng nghiên cứu, định hướng ứng dụng và định hướng thực hành; mỗi tầng gồm 5 hạng. Các hạng được tính theo phần trăm số các trường trong từng tầng, được chia theo nhóm từ cao xuống thấp. Hạng 1 là nhóm 10% các cơ sở đào tạo có kết quả xếp hạng cao nhất, hạng 2 là nhóm 20% các cơ sở đào tạo có kết quả xếp hạng sau hạng 1. Tương tự, nhóm hạng 3 là 40%, hạng 4 là 20%, hạng 5 là 10% các cơ sở đào tạo. Nhìn chung, dư luận đánh giá, dự thảo nói trên cho thấy giáo dục ĐH Việt Nam đang có bước đi phù hợp với xu hướng thế giới, vừa là giải pháp mang tính quy luật, vừa có ý nghĩa quy hoạch mạng lưới ĐH và chiến lược phát triển giáo dục, một mục tiêu cơ bản trong giai đoạn hiện nay.

Băn khoăn tiêu chí, thực hiện

Tuy nhiên, theo các chuyên gia giáo dục, trong khi việc phân tầng cần đề cao sứ mệnh, nhiệm vụ của các trường thì theo dự thảo nói trên lại có các tiêu chí mang nặng tính phân loại. Các nhà soạn thảo chưa có sự phân định rõ giữa khái niệm phân tầng và phân loại. Việc chia các trường theo các khái niệm "nghiên cứu", "ứng dụng" mang ý nghĩa phân loại, tức là ngang hàng nhau chứ không có ý nghĩa là hơn nhau về mặt chất lượng. Dự thảo có nêu ra tiêu chí cho cơ sở định hướng nghiên cứu như: Đào tạo và cấp bằng ít nhất 50 tiến sĩ/năm; hằng năm công bố ít nhất 50 bài báo, công trình nghiên cứu kết quả nghiên cứu khoa học trên các tạp chí khoa học quốc tế trong danh mục ISI, SCI... Tuy nhiên, những chỉ số này có thể luôn vận động qua các năm, trong khi sứ mệnh, nhiệm vụ của ĐH thì không thay đổi.

Về vấn đề phân loại nói chung, TS Đặng Văn Định, Trường ĐH Chu Văn An cũng cho rằng khó có được một lời giải duy nhất. Mỗi cách làm đều có các điểm mạnh và điểm hạn chế riêng. Song TS Đặng Văn Định đánh giá cao cách phân loại của Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khi dựa vào chức năng, nhiệm vụ của cơ sở giáo dục ĐH. Theo đó, trong hệ thống sẽ có ĐH quốc gia, ĐH vùng, các trường ĐH ngành, các trường ĐH địa phương, trường CĐ ngành, trường CĐ địa phương, trường ĐH, CĐ tư thục. GS Phạm Phụ, Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh, một trong những người đầu tiên đề cập đến khái niệm phân tầng cho ĐH tại Việt Nam cho rằng: Một hệ thống giáo dục ĐH mạnh là phải đa dạng, trong đó mỗi ĐH có sứ mệnh khác nhau, đáp ứng có hiệu quả các yêu cầu khác nhau của sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như của các nhóm dân chúng. GS Phạm Phụ cho rằng nên phân thành 5 tầng: ĐH nghiên cứu, ĐH huấn luyện nghề nghiệp chất lượng cao, ĐH huấn luyện nghề nghiệp đại trà, CĐ nghề nghiệp chất lượng cao và cuối cùng là CĐ dạy nghề.

Nếu như với phân tầng, các ý kiến băn khoăn tập trung vào các tiêu chí thì với việc xếp hạng, các chuyên gia lại bày tỏ sự lo ngại về tính khách quan khi thực hiện. Ông Nguyễn Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH đặt vấn đề: Việc các hạng từ 1 đến 5 được tính theo phần trăm số các trường trong từng tầng là một quan điểm duy ý chí. Tại sao phải có 10%, 20%, 40% các trường thuộc hạng nào đó? 100% các trường đều đạt tiêu chí hạng 1 thì càng tốt chứ sao? Và nếu như đa số chỉ đạt mức trung bình, liệu có phải cố để có nhóm 10% hạng 1? Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Trãi Nguyễn Văn Nhã cũng nêu quan điểm: Không thể đưa ra một dự kiến định tính như vậy, bởi theo các tiêu chí của loại trường thì số lượng các trường ở mỗi tầng có thể nhiều hoặc ít, thậm chí không có trường nào được nằm ở tầng như thế mới thực sự là đánh giá khách quan, không lệ thuộc ý kiến chủ quan trong phân tầng.

Theo dự thảo, Bộ GD-ĐT có quyền lựa chọn, ủy nhiệm cho một tổ chức thực hiện xếp hạng các cơ sở giáo dục ĐH. Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia được hỏi đều cho rằng, xếp hạng nên là công việc của xã hội chứ Nhà nước không nên đứng ra làm. Trên thế giới, việc đánh giá, bình chọn, xếp hạng các ĐH thường do các tạp chí chuyên ngành có uy tín, một đơn vị nghiên cứu hoặc một trường ĐH lớn đứng ra làm. Song tại Việt Nam hiện nay, khó tìm ra một đơn vị nào như trên có đủ uy tín hoặc khách quan để đảm nhiệm. Có ý kiến cho rằng, hiệp hội các trường ĐH, CĐ sắp thành lập trong thời gian tới có thể đáp ứng được mong đợi.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chưa có sự phân định rõ ràng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.