Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chưa có giải pháp làm hồi sinh cống Cẩm Đình

Thúy Nga| 20/01/2011 07:45

(HNM) - Chiều 19-1, Bộ NN&PTNT phối hợp với Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học

Cống Cẩm Đình thuộc cụm công trình đầu mối Hát Môn - Đập Đáy được khởi công xây dựng năm 2002 và hoàn thành vào năm 2004. Cống có nhiệm vụ lấy nước từ sông Hồng theo kênh Cẩm Đình - Hiệp Thuận dài 11.295m đến cống Hiệp Thuận cung cấp cho sông Đáy. Mục tiêu của cụm công trình đầu mối sông Đáy là dẫn nước từ sông Hồng vào sông Đáy, khôi phục lại dòng chảy về mùa kiệt của sông Đáy; cấp bổ sung nguồn nước cho hạ du phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt. Nhưng từ khi hoàn thành đến nay, việc dẫn nước sông Hồng qua cống Cẩm Đình vào kênh Cẩm Đình - Hiệp Thuận vào mùa kiệt gần như bất khả thi. Ông Trịnh Nhật Thủy, Giám đốc Ban Quản lý công trình phân lũ sông Đáy cho biết, ở thời điểm hiện tại phải đóng cống Cẩm Đình để giữ nước trong kênh.

Theo các chuyên gia ngành thủy lợi, nguyên nhân cống Cẩm Đình bị "treo" là do "nạn" hút cát vô tội vạ thời gian qua, việc sử dụng nguồn tài nguyên nước trên sông Hồng bừa bãi... Trong khi đó, hồ Thủy điện Hòa Bình xả nước xuống hạ du rất ít khiến lưu lượng nước sông Hồng suy giảm kiệt quệ. Ước tính, mỗi năm Nhà nước cấp phép khai thác 1,7 triệu mét khối vật liệu xây dựng trên hệ thống sông Hồng, thực tế con số này có thể lên gấp 4 lần. Hậu quả, đáy sông Hồng đã bị tụt xuống hơn 1m.

Tại hội thảo lần này, Viện Bơm và Thiết bị thủy lợi đưa ra ý tưởng, "phía trước cống Cẩm Đình xây dựng trạm bơm cột nước thấp 1-3m để nâng mực nước trước cống lên bằng thiết kế, lưu lượng trạm bơm tương đương với nhu cầu lấy nước về mùa kiệt của cống nhằm thỏa mãn khả năng lấy của cống trong thời gian ngắn". Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng, ưu điểm của ý tưởng này là nếu nước sông Hồng tụt xuống thấp vẫn có thể bơm nước được, nhưng về mặt công trình thì còn nhiều vấn đề phải nghiên cứu kỹ lưỡng...

Với ý tưởng đề xuất của Viện Thủy công, "bổ sung lưu lượng cho cống Cẩm Đình bằng việc xây dựng một trạm bơm chìm trên sông Hồng với 6 máy có lưu lượng 5m3/giây; làm thêm một số tuyến kênh dẫn vào cống". Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng phản bác vì cho rằng ý tưởng này tiêu tốn tới 62 tỷ đồng, quá tốn kém và hiệu quả chưa rõ. Ý tưởng "tiếp nước sông Đáy, sông Nhuệ và làm "sống lại" các sông nội thành" do một số cán bộ Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với Viện Khoa học thủy lợi đưa ra cũng có những mặt tích cực, giúp sông Đáy, sông Nhuệ, sông Tô Lịch sớm hồi sinh. Tuy nhiên, việc ngăn sông Đà dâng nước và xây dựng hệ thống kênh nổi từ sông Tích (khu vực cầu Ái Mỗ) theo hướng quốc lộ 32 cắt qua sông Đáy, sông Nhuệ, sông Tô Lịch về đến hồ Tây cần phải nghiên cứu thêm, nhất là vấn đề an toàn khi dòng sông Đà chảy mạnh vào mùa lũ và phải giải phóng khối lượng lớn diện tích mới có mặt bằng thi công...

Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi (Bộ NN&PTNT) Bùi Nam Sách cho rằng, cả ba ý tưởng đưa ra có ưu điểm và nhược điểm. Tuy nhiên, các ý tưởng chưa nghiên cứu, tính toán kỹ lưu lượng sự suy giảm nguồn nước và "nạn" khai thác cát trên sông Hồng, vì vậy không nên nóng vội chọn các giải pháp kém hiệu quả. Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cũng nhất trí với ý kiến của các chuyên gia trong ngành, sẽ lấy ý kiến các chuyên gia để lựa chọn giải pháp tối ưu, nâng cao hiệu quả lấy nước cống Cẩm Đình.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chưa có giải pháp làm hồi sinh cống Cẩm Đình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.