(HNM) - Cách đây vài tháng, các bà nội trợ đã nhận thấy sự thay đổi về giá của một số hàng hóa tiêu dùng thiết yếu và càng thể hiện rõ nét vào dịp cuối năm. Mặc dù các cơ quan chức năng, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tích cực vào cuộc để thực hiện giữ ổn định thị trường, kiểm soát các yếu tố hình thành giá... song giá hàng hóa tăng vào những ngày giáp Tết đang là nỗi lo hiện hữu.
Vì sao khó xử lý?
Theo Cục Quản lý thị trường (QLTT), mỗi dịp cuối năm nhu cầu thị trường thường biến động theo xu hướng tăng, đây là thời điểm diễn biến khá phức tạp về giá của các loại hàng hóa. Bộ Công thương cho biết, trong năm 2010 lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra hơn 147.000 vụ, xử lý gần 70.000 vụ, trong đó hơn 12.000 vụ buôn lậu; riêng lĩnh vực giá xử lý hơn 10.000 vụ, gồm những vi phạm như không đăng ký, kê khai, niêm yết, bán quá giá niêm yết…, thu hơn 200 tỷ đồng tiền phạt.
Chương trình bình ổn giá cả hàng hóa tiêu dùng đang thực hiện tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh được đánh giá là triển khai tích cực. Tuy nhiên, qua kiểm tra việc thi hành đã phát hiện nhiều sai phạm. Lực lượng QLTT TP Hồ Chí Minh phát hiện 2 điểm không có trong địa chỉ đăng ký bình ổn giá, một số điểm không đủ hàng hóa theo quy định, bán trứng gà cao hơn giá bình ổn; lập biên bản trường hợp 1 doanh nghiệp kinh doanh không niêm yết giá, có dấu hiệu găm hàng, đầu cơ khoảng 15 tấn đường... Tại Hà Nội, thời gian qua, lực lượng QLTT cũng phát hiện nhiều điểm trong diện bán hàng bình ổn giá nhưng không treo biển nhận diện và niêm yết giá, không thực hiện bán đúng danh mục đã đăng ký...
Khoảng 80% thị trường hiện nay là các chợ truyền thống, khu vực này chưa được tổ chức chặt chẽ nên khó kiểm soát. Bên cạnh đó, lực lượng QLTT hiện nay còn "mỏng", nên khó có thể kiểm soát hết được. Sở Công thương Hà Nội cho biết, việc kiểm tra được tiến hành ở tất cả các kênh phân phối, trong các siêu thị và thị trường tự do, nhưng chỉ có thể xử lý các tổ chức, đơn vị kinh doanh lớn vi phạm, còn tiểu thương nhỏ lẻ vi phạm thì hầu như rất khó xử lý.
Thay đổi cơ chế quản lý
Một số chuyên gia cho rằng, các biện pháp kiểm soát thị trường là cần thiết. Nhưng với thực trạng giá cả trên thị trường đồng loạt tăng như hiện nay, các cơ quan chức năng mới ráo riết theo kiểu "nước đến chân mới nhảy" thì hiệu quả không cao. Theo Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, Pháp lệnh Giá đi vào cuộc sống không theo con đường hành chính mà phải được kiểm soát từ lúc chuẩn bị phát sinh ra giá và ngăn chặn không để đến khi tăng giá mới có biện pháp ngăn chặn. Về lâu dài, cần làm tốt việc dự báo để điều hành giá cả hàng hóa tiêu dùng trong nước phù hợp. Đặc biệt, trong lộ trình mở cửa và hội nhập hiện nay, vấn đề cơ bản là phải tổ chức tốt sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, công nghệ sản xuất cũng như chất lượng sản phẩm để giảm nhập khẩu. Những quy định của Pháp lệnh Giá hiện nay chưa hiệu quả. Chẳng hạn, giá sữa trong 3 năm đã tăng 16 lần và đầu vào hầu như không kiểm soát được. Do đó, đã tạo ra sự độc quyền, khép kín khiến giá hoàn toàn do các tổ chức, đơn vị kinh doanh quyết định. Trong giai đoạn hiện nay, cần kiểm soát chặt giá đầu vào, đặc biệt với hàng nhập khẩu, vì 80% nguyên liệu của một số mặt hàng như dệt may, da giày, thuốc chữa bệnh, sữa, thức ăn chăn nuôi là nhập khẩu; kiểm soát giá đầu vào của các thực phẩm trong nước, tính toán giá các mặt hàng gạo, rau, thực phẩm, hoa quả… Khống chế được giá các mặt hàng thiết yếu này, thì các mặt hàng khác buộc phải theo.
Theo Hội siêu thị Hà Nội, vấn đề cốt lõi là sự minh bạch, giảm các khâu trung gian để rút ngắn khoảng cách giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng. Vấn đề cung - cầu trên thị trường mới là quan trọng, nguồn cung thiếu, lập tức giá đội lên và sẽ có gian lận. Các mặt hàng thiết yếu phải được tổ chức bán buôn, bán lẻ một cách minh bạch và kiểm soát chặt. Vấn đề gian lận thương mại hiện nay chưa được xử lý hiệu quả. Cơ quan quản lý nhà nước cần thay đổi cơ chế quản lý. Chương trình bình ổn giá đang được đánh giá là chính sách tốt nhằm điều tiết thị trường, tuy nhiên với nguồn vốn hỗ trợ 400 tỷ đồng so với hàng chục nghìn tỷ đồng tiêu dùng mỗi tháng của thành phố sẽ rất khó ổn định mặt bằng giá. Mặt khác, chương trình bình ổn chỉ thực hiện với 9 nhóm hàng, trong khi trên thị trường có hàng nghìn mặt hàng…
Để xảy ra tăng giá cao mới triển khai bình ổn giá sẽ không mang lại kết quả tốt; nếu chỉ dựa vào bình ổn giá để kiềm chế lạm phát sẽ không có hiệu quả vì sự can thiệp vào thị trường chỉ mang tính hành chính. Tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều triển khai chương trình bình ổn giá, nhưng giá cả ở bên ngoài điểm bình ổn vẫn tăng. Vì vậy, để ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát phải gắn với tái cơ cấu kinh tế và thay đổi mô hình tăng trưởng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.