(HNM) - Vấn đề quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản (CLNLTS) đang là vấn đề khi hầu hết các cơ sở giết mổ gia súc gia cầm, cơ sở kinh doanh thuốc thú y thủy sản… đều không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).
Điều này không những gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu. Đây là những nội dung được bàn thảo tại hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm về quản lý CLNLTS do Bộ NN&PTNT tổ chức.
Chất lượng các mặt hàng nông - lâm sản cần được quản lý chặt chẽ.
Ảnh: Khánh Nguyên
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý CLNLTS (Bộ NN&PTNT) cho biết, việc xử lý các trường hợp vi phạm về ATVSTP trong nông nghiệp không đơn giản. Bộ đã phối hợp với các tỉnh, thành phố kiểm tra một số cơ sở giết mổ, kinh doanh thuốc thú y, thủy sản, rau củ quả… lấy mẫu phân tích, kết quả cho thấy rất nhiều vi phạm. Cụ thể trong tháng 2-2012 kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp ở 18 tỉnh có 66/322 cơ sở vi phạm, chiếm 20,49%. Đoàn liên ngành của Bộ NN&PTNT kiểm tra các cơ sở sản xuất sản phẩm nông lâm thủy sản theo Thông tư 14 của Bộ ở các tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu kết quả có 12/84 cơ sở vi phạm kinh doanh sản phẩm không có nhãn, xuất xứ không rõ ràng, không bảo đảm đủ điều kiện vệ sinh cơ sở, kinh doanh hàng hóa hết hạn sử dụng. Trong tháng 2-2012, Thanh tra Bộ NN& PTNT đã ban hành 330 quyết định xử lý vi phạm hành chính với số tiền 600 triệu đồng. Bên cạnh đó, thực hiện Thông tư 14 của Bộ về kiểm tra, đánh giá phân loại công khai các cơ sở giết mổ, kinh doanh chế biến sản phẩm động vật, thực vật cũng rất khó khăn. Hầu hết khoảng cách cơ sở chế biến với khu dân cư chưa đạt yêu cầu, chưa áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, chưa có các biện pháp bảo vệ môi trường…
Hiện đã có 46/63 tỉnh có báo cáo về tình hình giết mổ gia súc, gia cầm, tổng số có 1.557 cơ sở được thống kê, phân loại, chỉ 72 cơ sở xếp loại A, chiếm 5%; 642 cơ sở loại B, chiếm 41%. Về sản xuất, kinh doanh thuốc thú y, đã kiểm tra 2.264 cơ sở, chỉ 489 cơ sở được xếp loại A, chiếm 22%; 1.225 cơ sở xếp loại B, chiếm 54%. Đã có 20 tỉnh, thành phố phân loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, với 1.940 cơ sở chỉ có 581 cơ sở xếp loại A, chiếm 30%; 967 cơ sở xếp loại B, chiếm 50%... |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.