(HNM) - Một bộ phận học sinh, sinh viên hiện nay có biểu hiện vô cảm, thiếu chuyên cần, vi phạm pháp luật…
Nguyên nhân là các nhà trường chưa thực sự quan tâm đến đời sống tâm lý HS, SV, chưa cung cấp cho họ liều thuốc tinh thần để vượt qua khủng hoảng, giải quyết bế tắc trong cuộc sống. Nội dung này được coi là một trong những giải pháp quan trọng nhằm hoàn thiện nhân cách, kỹ năng cho HS, SV theo tinh thần Nghị quyết 29/NQ-TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.
Ngoài việc truyền đạt kiến thức, học sinh còn cần được dạy để làm người. Ảnh: Viết Thành |
Những "xung đột" của tuổi mới lớn
Dẫn chứng cho sự đáng báo động về thói vô cảm của HS, đại diện Ban giám hiệu Trường THPT Trần Nguyên Hãn (Hải Phòng) cho biết, cách đây vài năm, trường đã dàn dựng cảnh một HS bị tai nạn ngay trước cổng trường, có đổ thuốc đỏ để thể hiện dấu hiệu thương tích. Kết quả thật đáng buồn: "Nạn nhân" ở ngay trước mặt nhưng hầu hết HS đi qua nơi xảy ra tai nạn đều làm ngơ, không dừng lại. Vị Phó Hiệu trưởng Trường Trần Nguyên Hãn chia sẻ: "Đó là điều đáng buồn, song cũng nhờ đó mà nhà trường đã tìm ra nguyên nhân và giải pháp mang tính gốc rễ. Nhà trường là nơi không chỉ dạy học, mà còn dạy cách sống, để các em thực sự yêu trường, yêu bạn. Yêu cầu nhiệm vụ đối với nghề giáo đòi hỏi người thầy không chỉ giỏi truyền đạt kiến thức, mà phải là người đồng hành, tạo lập cho HS nếp sống văn hóa, biết yêu thương và chia sẻ".
Thực tế cho thấy hầu hết HS ít chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, những khúc mắc trong đời sống sinh hoạt và học tập với người lớn, kể cả khi các em gặp tình huống khó xử, thậm chí là bị tổn thương nghiêm trọng. Đó được coi là nghịch lý bởi theo nhiều chuyên gia tâm lý giáo dục, nhu cầu được tâm sự, hỗ trợ từ người lớn của HS, SV rất lớn. Kết quả khảo sát gần đây do Bộ GD-ĐT tiến hành tại một số trường THCS, THPT, ĐH ở Hà Nội, Hải Dương cho thấy gần 94% số HS, SV được hỏi mong muốn được chia sẻ khó khăn, vướng mắc trong học tập và đời sống hằng ngày (trong đó khối phổ thông là 95%, ĐH là 86%). Hơn 82% HS, SV được hỏi mong muốn nhà trường có phòng tư vấn tâm lý riêng và cán bộ chuyên trách tư vấn tin cậy để hỗ trợ các em khi cần thiết.
Khẳng định sự cấp thiết của việc chia sẻ, trợ giúp học sinh, Thạc sĩ Nguyễn Tất Thắng, Phó trưởng ban Công tác chính trị và công tác SV (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) nói rằng, trong quãng thời gian công tác tại trường, ông đã "xử lý hàng chục ca có ý định hành động liều lĩnh, thậm chí là muốn tự tử". Có những em gọi điện đến đường dây tư vấn khi đã đứng trên mép cầu, nức nở khóc. Nếu không có sự can thiệp kịp thời thì nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng là vô cùng lớn. Sau này, khi được nghe các em chia sẻ, nhiều thầy, cô giáo mới vỡ lẽ rằng nhiều em gặp rắc rối hoặc thấy bế tắc trong cuộc sống hằng ngày, thường thấy là xung đột trong các mối quan hệ bạn bè.
Việc dạy người chưa được quan tâm đúng mức
Gần đây, vấn đề đẩy mạnh công tác giáo dục đạo đức trong nhà trường đã trở thành yêu cầu cấp thiết, trong đó công tác tư vấn tâm lý, tổ chức các hoạt động văn hóa để gắn kết các thành viên trong nhà trường được nhiều địa phương coi là nhiệm vụ thường xuyên. Tuy nhiên, mức độ triển khai thường phụ thuộc vào người đứng đầu đơn vị, tức là mỗi nơi một kiểu. Theo ông Vũ Văn Trà, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng, nhà trường hiện nay mới chỉ quan tâm đến việc dạy chữ, việc "dạy người" chưa được quan tâm ở mức độ tương xứng với tầm quan trọng của công việc này. Đó là điều đáng bàn bởi thực tế cho thấy những rối nhiễu tâm - sinh lý tưởng như bình thường vẫn có thể thúc đẩy hành vi theo hướng tồi tệ. Các nghiên cứu gần đây cho thấy nguyên nhân dẫn đến hành vi mang tính bạo lực, vấn đề bạo lực giới trong nhà trường, trong đó có nguyên nhân từ sự bí bách về tâm lý, tình cảm không được giải tỏa kịp thời.
Thực tế cho thấy, việc xây dựng phòng tư vấn tâm lý, cách thức triển khai ở hầu hết địa phương đều mang tính tự phát. Cách đây gần chục năm, một số trường học tại Hà Nội đã có phòng tư vấn tâm lý riêng cho HS, như THPT Đinh Tiên Hoàng, THPT Nguyễn Thị Minh Khai, THCS Ngô Sỹ Liên…, song độ "phủ sóng" vẫn chưa đủ. Cách làm của Trường THCS Ngô Sỹ Liên là phối hợp với Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn để nhà trường vừa là nơi thực tập cho sinh viên, vừa là nơi nhận sự hỗ trợ của cán bộ tư vấn là giảng viên trường ĐH. Kinh phí cho các hoạt động này chủ yếu do phụ huynh đóng. TP Hồ Chí Minh đã có văn bản quy định tạm thời về hoạt động tư vấn trường học, trong đó có xây dựng quy trình giáo dục HS chưa ngoan với sự phối hợp của giáo viên tư vấn và các lực lượng khác như giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh, bạn bè nhằm tạo sự tác động tích cực từ nhiều phía đối với HS. Tuy nhiên, khó khăn chung của các đơn vị hiện nay trong công tác tư vấn tâm lý là thiếu kinh phí, không có giáo viên chuyên trách (chủ yếu là kiêm nhiệm công tác đoàn, đội…). Một trong những lý do là phía cơ quan quản lý chưa có quy định chính thức về định biên giáo viên tư vấn học đường, chưa có hướng dẫn cụ thể về tổ chức hoạt động, bố trí kinh phí… Những hạn chế nói trên đã ảnh hưởng tới việc duy trì hoạt động tư vấn thường xuyên, hạn chế hiệu quả của hoạt động này bởi nguyên tắc chung trong tổ chức hoạt động tư vấn là phải chủ động gần gũi, chia sẻ với HS, SV hằng ngày, hằng giờ để kịp thời phòng ngừa biến cố.
Rõ ràng khi công tác tư vấn, tổ chức hoạt động văn hóa được coi là một trong số những giải pháp quan trọng nhằm tăng cường giáo dục toàn diện HS, SV theo hướng phát triển năng lực, nhân cách, thì nơi cần chuyển động trước tiên chính là từ phía ngành, nhằm thay đổi nhận thức, đề ra giải pháp phù hợp để có được mức đầu tư tương xứng với trọng trách "dạy người" trong giai đoạn hiện nay. Nếu không thay đổi nhận thức, hành động quyết liệt ngay từ bây giờ thì mọi giải pháp và nỗ lực từ cơ sở cũng chỉ như "muối bỏ bể" mà thôi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.