Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chưa cần quy hoạch… chỉ tiêu?

Quỳnh Phạm| 21/02/2012 07:16

(HNM) - Tại hội nghị hiệu trưởng các trường đại học - cao đẳng (ĐH-CĐ) mà Bộ GD-ĐT tổ chức vừa qua, vấn đề đầu tiên mà Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu phân tích, làm rõ là tình trạng mất cân đối trong ngành nghề đào tạo, thể hiện qua tình hình tuyển sinh mấy năm gần đây.

Phó Thủ tướng nêu câu hỏi: Thực tế tuyển sinh mấy năm qua cho thấy, có đến gần 60% số trường ĐH, CĐ có tuyển sinh các ngành kinh tế, 41% sinh viên thi vào các ngành kinh tế, tài chính - ngân hàng, như vậy có phù hợp với yêu cầu hay không, có cần điều chỉnh không ?

Vấn đề này được đặt ra bởi thực trạng mất cân đối về cơ cấu ngành tuyển sinh và đào tạo đã được Bộ GD-ĐT cảnh báo qua nhiều số liệu. Trong 416 trường tuyển sinh năm 2011, có 248 trường tuyển sinh 1 trong 4 ngành: kinh tế, quản trị kinh doanh, tài chính - ngân hàng, kế toán. Như vậy, chỉ còn 76 trường ĐH và 92 trường CĐ không tuyển sinh các ngành trên, là các trường thuộc khối y, dược, năng khiếu - nghệ thuật và một số trường sư phạm.

Việc mất cân đối trong ngành nghề đào tạo ở các trường đại học cần sớm được quy hoạch lại để phát triển nguồn nhân lực Việt Nam trong giai đoạn tới. Ảnh: Khánh Nguyên


So với tổng chỉ tiêu tuyển sinh, chỉ tiêu của các trường phân bổ cho các ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, tài chính - ngân hàng, kế toán chiếm xấp xỉ 38%, chỉ còn 62% cho tất cả các ngành đào tạo khác. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ của thí sinh trong 3 năm qua (2009-2011) vào 4 ngành nói trên chiếm gần 41% tổng số hồ sơ. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận từng bày tỏ lo ngại: Nước ta có tới 70% dân số là nông dân và nông nghiệp là mặt trận rất quan trọng, nhưng số hồ sơ đăng ký vào khối ngành nông- lâm- ngư mà Bộ thống kê chưa đến 3%. Các ngành kiến trúc, xây dựng cũng chiếm chưa đến 2% số thí sinh là điều cũng rất đáng lo ngại bởi lĩnh vực này rất cần cho quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

Chuẩn bị cho mùa tuyển sinh năm nay, bà Lê Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại thương cho rằng: Những năm gần đây, thí sinh nộp đơn nhiều nhất vào các ngành kinh tế đối ngoại, tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, trong khi nhà trường vẫn có 100% nhu cầu đào tạo cho cả 9 ngành.

Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội Vũ Văn Hóa lo ngại: Nếu không kịp thời có một định hướng tốt về đào tạo, chỉ khoảng hai khóa học nữa, sinh viên các ngành tài chính, ngân hàng khó mà tìm được việc làm.

Không chỉ cần chất lượng

Nhiều chuyên gia cho rằng, gần đây việc xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh đã công khai, minh bạch, đặc biệt là dựa trên năng lực nhà trường. Tuy nhiên, như vậy chỉ mới bảo đảm được một yêu cầu là đáp ứng về cơ bản chất lượng đào tạo, còn về nhu cầu của thị trường, nhu cầu các ngành nghề thì không được xác định. Tuyển sinh ngành nào, số lượng sinh viên của từng ngành bao nhiêu đều do các trường tự sắp xếp theo kinh nghiệm, gần như không có luận cứ chặt chẽ về khoa học và thực tiễn.

Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020 được kỳ vọng sẽ giúp các ngành và xã hội giải quyết vấn đề trên. Tuy nhiên, các tiêu chí xác định chỉ tiêu mà Bộ đề ra cho năm 2012 chỉ liên quan tới số lượng giảng viên và diện tích xây dựng chứ không hề nhắc tới vấn đề quy hoạch. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT mới chỉ cho biết, quy hoạch nguồn nhân lực đã được Bộ coi là tiêu chí quan trọng trong mở ngành.

Tuy không nhắc tới vấn đề quy hoạch, song quan điểm của một số vị hiệu trưởng cũng tiệm cận với mục tiêu của bản quy hoạch. Hiệu trưởng Nguyễn Văn Lê, Trường CĐ Sư phạm trung ương, cho rằng: "Chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đang tính theo công thức số sinh viên/giảng viên, sinh viên/diện tích, nhưng như vậy chưa đủ. Tôi cho rằng phải có thêm tiêu chí tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm đúng nghề. Thế mới là đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội". Giám đốc ĐH Huế Nguyễn Văn Toàn đề nghị: Bên cạnh các chỉ tiêu đào tạo do Nhà nước đặt hàng, như các ngành khoa học cơ bản, khoa học xã hội và nhân văn, các trường có thể dành chỉ tiêu đào tạo theo nhu cầu người học.

Theo GS Bành Tiến Long, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, khi đã có bản quy hoạch thì việc xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh phải bảo đảm yêu cầu kép: bảo đảm chất lượng và số lượng theo ngành nghề, theo vùng miền. Tất nhiên các trường không thể tự đặt ra chỉ tiêu từng ngành nghề cụ thể mà phải do một cơ quan điều phối tổng thể của Nhà nước (tốt nhất là Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ,TB&XH), giao chỉ tiêu theo từng ngành cho cơ sở đào tạo để khi tổng hợp lại, về cơ bản đáp ứng được tổng quy mô nhu cầu nhân lực quốc gia theo quy hoạch. Làm được việc này là đã thực hiện mối liên kết chặt chẽ giữa Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp. GS Bành Tiến Long nhấn mạnh, đây cũng là một trong những nội dung quan trọng để tiến tới đổi mới công tác tuyển sinh và chương trình, nội dung đào tạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chưa cần quy hoạch… chỉ tiêu?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.