(HNM) - Tình trạng lạm dụng, sử dụng tùy tiện thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) không phải là vấn đề mới, song gần đây, các vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến hóa chất độc hại có dấu hiệu gia tăng khiến người dân hết sức lo ngại.
Sử dụng bừa bãi
Kết quả thanh tra của Cục BVTV (Bộ NN&PTNT) cho thấy, tình trạng buôn bán, sử dụng thuốc BVTV hiện nay rất tùy tiện. Kết quả kiểm tra 10.233 cửa hàng cho thấy, có tới 86,7% chủ cửa hàng không hiểu đầy đủ các quy định sử dụng, quản lý thuốc BVTV nhưng vẫn kinh doanh... Nhiều cửa hàng hóa chất BVTV nằm len lỏi trong khu dân cư rất khó kiểm soát... Đáng lo ngại, tình trạng sử dụng hóa chất diễn ra tràn lan, bất chấp tác động có hại đến sức khỏe con người, môi trường và đa dạng sinh học. Tại các huyện Thái Thụy (Thái Bình), Nghĩa Hưng (Nam Định), Diễn Châu (Nghệ An), Đà Lạt (Lâm Đồng), khoảng 20-25% nông dân chỉ thực hiện thời gian cách ly 4-6 ngày, trong khi quy định thời gian cách ly từ 7-14 ngày hoặc lâu hơn sau khi phun thuốc mới được thu hoạch nông sản. Một bộ phận nông dân đang xem nhẹ lợi ích của cộng đồng, cố ý sử dụng thuốc BVTV sai quy định, không tuân thủ khuyến cáo của cơ quan chuyên môn hoặc sử dụng thuốc cấm, thuốc nằm ngoài danh mục trên cây trồng.
Theo khuyến cáo, bao bì, chai lọ đựng thuốc BVTV sau sử dụng trên đồng ruộng là chất thải rắn độc hại, gây tác động xấu đến môi trường đất, nước, không khí và sức khỏe người dân. Thế nhưng, trong quá trình sử dụng, người dân có thói quen vứt bao bì, chai lọ ngay tại nơi pha thuốc. Thậm chí, có nơi người dân còn tái sử dụng bao bì, chai lọ bị nhiễm độc. Hậu quả của việc sử dụng tùy tiện quá mức thuốc BVTV trong nông nghiệp dẫn tới rau quả đều có chứa hóa chất và số người bị ngộ độc thời gian qua tăng đột biến. Theo kết quả điều tra của Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, cả nước có khoảng 29 triệu người thường xuyên tiếp xúc với hóa chất BVTV thì 70% có triệu chứng bị nhiễm độc, nặng hơn là bị ngộ độc... Còn theo kết quả khảo sát của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) gần đây tại 8 tỉnh, có đến 51,24% mẫu rau phát hiện tồn dư thuốc BVTV và kim loại nặng, 47% mẫu rau tồn dư NO3 vượt ngưỡng.
Thị trường lộn xộn
Hiện Việt Nam chưa chủ động được nguyên liệu hóa chất BVTV, do đó hằng năm phải nhập khẩu trên 70.000 tấn thuốc thành phẩm. Trong đó, 90% hóa chất được nhập khẩu từ Trung Quốc. Theo nguyên tắc nhập khẩu hóa chất BVTV nằm trong danh mục được phép sử dụng ở Việt Nam do Bộ NN&PTNT ban hành, đơn vị nhập khẩu chỉ phải làm thủ tục hải quan; nếu thuốc và nguyên liệu nằm ngoài danh mục, trước khi nhập phải được kiểm tra chất lượng các công đoạn như sản xuất, gia công, sang chai, đóng gói, lưu thông và sử dụng. Thế nhưng, trong thực tế, trung bình mỗi năm vẫn có từ 0,2-0,5% lô thuốc BVTV nhập khẩu không đạt chất lượng theo quy định, buộc phải tiêu hủy. Một lỗ hổng nữa là tình trạng buôn lậu hóa chất BVTV qua đường tiểu ngạch, nhất là các loại thuốc nằm trong danh mục cấm sử dụng như thuốc trừ cỏ Butachlor, thuốc trừ sâu Methamidoph, Dimethoate, thuốc diệt chuột... chưa kiểm soát được. Hiện mỗi tháng, có khoảng 7 tấn hóa chất BVTV bất hợp pháp bị thu giữ. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục BVTV, số liệu thống kê này vẫn chưa đầy đủ. Ông Hồng cho rằng, tình trạng hóa chất BVTV nhập khẩu tràn lan đã ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường trong nước và gây khó khăn cho công tác quản lý.
Hệ thống phân phối, quản lý thị trường thuốc BVTV rõ ràng tồn tại hàng loạt bất cập chưa được giải quyết. Hiện thị trường có khoảng 1.100 loại thuốc với đủ loại giá. Trong giai đoạn hiện nay, do phân khúc thị trường, mạng lưới cửa hàng tư nhân mở rộng đến tận thôn, xã, do đó việc quản lý rất nan giải, nhất là việc kiểm soát tình trạng sản xuất thuốc BVTV giả, kém chất lượng. Mới đây cơ quan chức năng phát hiện trên thị trường có hai loại thuốc BVTV, một loại có độc tính rất cao, giá lại rẻ, loại khác không có tác dụng diệt trừ sâu bệnh. Các loại thuốc này khó có thể phân biệt thật giả do pha chế và đóng gói bằng bao bì của các công ty chính hãng hoặc thuốc nhập lậu từ Trung Quốc.
Để hạn chế ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng cần có chế tài mạnh, kiểm soát chặt chẽ để chấn chỉnh hoạt động kinh doanh, nhập khẩu hóa chất BVTV. Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương cần phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm, cơ quan chuyên môn thường xuyên tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật cho nông dân sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả, hạn chế sử dụng hóa chất độc hại bảo vệ người tiêu dùng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.