Không chỉ là đồ uống giải nhiệt, nâng cao hương vị cuộc sống, trà xanh còn có thể kết hợp với các nguyên liệu khác nhau tạo thành những bài thuốc có tác dụng phòng và chữa bệnh hiệu quả.
Dưới đây là một số loại trà thuốc vừa đơn giản, dễ chế biến nhưng lại có công hiệu đáng ngạc nhiên.
1. Trà giấm
Cách làm: Lấy 5g lá chè xanh rửa sạch, sau đó cho vào hãm cùng 1ml giấm ăn khoảng 5 phút, uống nóng sau bữa ăn.
Công dụng: Điều hòa dạ dày, tránh gây ợ chua khó chịu, trị kiết lị, máu đóng cục, đau răng, và có tác dụng giảm đau hiệu quả.
2. Trà đường
Cách làm: Lấy 2g lá chè xanh, 10g đường đỏ hãm ấm trà khoảng 5 phút, uống sau bữa ăn.
Công dụng: Bổ khí, trị tiêu hóa kém, khó đại tiện, lưu thông khí huyết, điều hòa kinh nguyệt, chữa bế kinh hoặc rối loạn kinh nguyệt.
3. Trà muối
Cách làm: Lấy 3g lá chè tươi( hoặc lá trà khô), 1g muối ăn hãm trong nước sôi khoảng 7 phút, uống sau mỗi bữa ăn.
Công dụng: Tiêu viêm, sáng mắt, thanh nhiệt, tốt cho cổ họng, trị ho nhẹ, vết thương nhiễm trùng, đau họng, viêm chân răng, đau mắt đỏ…
Nên thường xuyên uống loại trà này về mùa hè để đề phòng chứng rối loạn điện giải vì mất nước do ra mồ hôi quá nhiều. Những đối tượng như dân văn phòng, người huyết áp cao, ít ra mồ hôi nên hạn chế dùng loại trà thuốc này.
4. Trà mật ong
Cách làm: Lấy 3g lá chè, 5ml mật ong cho vào nước nóng hãm khoảng 5 phút, uống nóng ngay sau bữa ăn.
Công dụng: Giải nhiệt, dưỡng huyết, nhuận phổi lợi thận, trị chứng suy nhược thần kinh, suy giảm chức năng dạ dày, viêm lợi, viêm chân răng.
5. Trà sữa
Cách làm: Sau khi hãm ấm trà nóng, cho thêm chút sữa tươi, tỷ lệ 2 trà, 1 sữa rồi uống nóng. Cho thêm chút đường trắng thì càng tốt.
Công dụng: bổ tỳ, lợi vị, mắt sáng, thích hợp cho những người có thể chất yếu, tiêu hóa không tốt, mắc các bệnh mãn tính khó chữa.
6. Trà hoa cúc
Cách làm: Lấy 2g lá trà, 2g hoa cúc trắng hãm với nước sôi, uống nguội.
Công dụng: Bổ gan, sáng mắt, thanh nhiệt giải độc, chống lão hóa, tăng huyết áp, chữa đau đầu, ho và đau họng hiệu quả.
7. Trà táo đỏ
Cách làm: Cho 5g lá chè hãm cùng với khoảng 10 quả táo đỏ trong vòng 7 phút, uống nóng sau bữa ăn.
Công dụng: Bổ tỳ, lợi khí, trị chứng đi tiểu nhiều ban đêm, không có cảm giác thèm ăn, ăn kém, khó chịu trong người.
8. Trà vỏ quýt
Cách làm: Vỏ quýt thái lát mỏng phơi khô. Lấy 3-6g vỏ quýt khô, 5g lá trà xanh hãm nước nóng khoảng 20 phút, có thể uống khi nào tùy thích hoặc uống thay nước.
Công dụng: Nhuận phổi, tiêu đờn, trị ho, viêm họng hiệu quả.
9. Trà tỏi
Cách làm: Lấy 1 củ tỏi giã nhuyễn, 60g trà hãm với nước sôi để uống cả ngày, uống liên tục trong 7 ngày liên tiếp sẽ thấy ngay hiệu quả.
Công dụng: Chữa bệnh ly amip mãn tính, sát khuẩn, thanh nhiệt giải độc, long đờm, ho lâu ngày, đau rát cổ họng.
10. Trà hành
Cách làm: Lấy 10g chè xanh, 10g bạch chỉ và 2-3 nhánh hành tươi cho vào đun sôi, uống nóng.
Công dụng: Chữa cảm cúm hiệu quả. Hành có vị cay, tính bình, không độc. Có tác dụng làm thông dương hoạt huyết, an thai, sáng mắt và bổ ngũ tạng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.