Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chưa an cư, khó lạc nghiệp

Thế Dũng| 15/02/2012 07:38

(HNM) - Tại TP Hồ Chí Minh, nhiều nhà tái định cư (TĐC) vừa được đưa vào sử dụng vài năm đã xuống cấp, thậm chí có nơi chưa bố trí người vào ở đã lún nứt, trục trặc hệ thống điện, nước… Không chỉ có vậy, cuộc sống của người dân

Hoài nghi chất lượng

Điển hình cho sự xuống cấp quá nhanh của nhà TĐC là khu chung cư Bình Trưng (đường Nguyễn Duy Trinh, phường Bình Trưng Đông, quận 2). Khu vực này gồm 4 block nhà 5 tầng với 500 căn hộ rộng 41m2 và 55m2. Cư dân Bình Trưng là những người đầu tiên di dời cách đây hơn 8 năm để nhường mặt bằng cho dự án Đại lộ Đông Tây và Khu ĐTM Thủ Thiêm. Nhìn bề ngoài, chung cư này khá đẹp với vườn hoa, khu vui chơi và hệ thống đường sá rộng rãi. Tuy nhiên, cuộc sống người dân nơi đây luôn muộn phiền do chất lượng nhà xuống cấp quá nhanh, đến mức một vị lãnh đạo quận 2 đã tính đến chuyện phá dỡ chung cư này đi để xây mới!

Khu nhà gồm 620 căn hộ vừa được đưa vào sử dụng ngày 9-1 tại phường An Phú (quận 2, TP HCM) là một trong không nhiều khu TĐC được thiết kế có thang máy và dịch vụ an sinh xã hội tốt.


Ông Lưu Quốc Xương, Tổ trưởng tổ dân phố 51-52 cho biết, chỉ một thời gian ngắn sau khi nhận nhà, các hộ đã phải chịu cảnh thấm, dột. Gần như nhà nào bên dưới cũng bị thấm nước từ… nhà tắm, nhà vệ sinh của các căn hộ tầng trên. Các đường bó móng được láng xi măng bị vỡ lỗ chỗ. "Hầu hết các hộ đều phải sửa nhà ít nhất 1 lần, có hộ sửa đến 3-4 lần. Nhà tôi cũng đã sửa 3 lần, lần gần nhất cách đây vài tháng. Không ít gia đình khi bơm nước rửa nhà thì phát hiện bong gạch nền do phía dưới toàn cát" - ông Xương nói.

Ở một khu vực khác là chung cư TĐC Bắc Rạch Chiếc (phường Phước Long A - quận 9) do chủ đầu tư của Khu ĐTM Bắc Rạch Chiếc là Công ty Địa ốc 10 xây dựng. Đưa vào sử dụng từ khoảng 4 năm nay, chung cư đã có dấu hiệu xuống cấp dù 48/50 căn hộ ở đây chưa có người ở. Tại căn hộ 1.4, một trong hai căn hộ hiếm hoi có người ở, trên tường loang lổ những vết nứt chân chim. Thậm chí, khi đến đây (ngày 4-1-2012), chúng tôi đã chứng kiến một nhóm công nhân đang đục tường một số phòng để đấu lại đường điện. Theo người dân sống gần đó phản ánh, do hệ thống điện đã bị đấu sai nên chủ đầu tư bắt buộc phải sửa!

Điều đáng tiếc là hai trường hợp trên chỉ là đại diện cho tình trạng nhà TĐC có chất lượng thấp tại TP Hồ Chí Minh. Cùng chung cảnh ngộ có thể kể đến các chung cư: Phước Định (quận Bình Thạnh), An Phúc - An Lộc (quận 2), Tân Mỹ (quận 7), An Sương (quận 12)… Được biết, qua kiểm tra 33 dự án TĐC đã đưa vào sử dụng chỉ có 10 dự án đạt loại tốt (30%), 15 dự án đạt loại khá (45%) và 8 dự án đạt loại kém (25%). Đánh giá về nguyên nhân gây hư hỏng, xuống cấp, ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh khẳng định "đều xuất phát từ chất lượng thi công".

Khó khăn cho cuộc sống mới

Có lẽ từ trước đến nay chưa có cuộc khảo sát quy mô lớn nào trên toàn địa bàn TP Hồ Chí Minh về đời sống người dân "hậu" TĐC. Nhưng có thực tế là, để có cuộc sống mới tốt hơn, đòi hỏi nỗ lực của không chỉ riêng người dân mà còn là cả một hệ thống chính sách liên quan đến câu chuyện an sinh xã hội.

Tiếp chúng tôi trong căn hộ có đủ ti vi, tủ lạnh, bàn tiếp khách… bà Nguyễn Thị Út (78 tuổi, ngụ tại phòng 2.8 khu TĐC 17,3 ha An Phú, quận 2) chia sẻ: "Toàn là đồ đi xin lại đấy chú ơi, tôi đâu có tiền mua. Vừa rồi tôi ốm phải đi nằm viện cả tháng trời, may là có thẻ bảo hiểm y tế Nhà nước cấp cho hộ nghèo không thì chả biết xoay xở ra sao".

Bà Út nguyên là cư dân cũ của ấp Cây Bàng (phường Thủ Thiêm, quận 2) đến đây TĐC được gần 9 năm nhưng âu lo về cuộc sống vẫn trĩu nặng tâm tư. Trước đây, gia đình bà có tới 7 người con cùng hàng chục cháu, quần tụ trên mảnh đất rộng 115m2. Người làm nghề xe ôm, người buôn bán lặt vặt, trông trẻ mướn… nhưng cũng đủ sống tằn tiện. "Nay nhà cao cửa rộng, đẹp hơn nhưng sao đủ cõng cho chừng ấy người nên con cái ly tán cả. Tiền đền bù đất chỉ dư 20 triệu đồng sau khi đã mua nhà TĐC. Cả gia đình (giờ còn 3 người) giờ trông chờ vào đứa con gái đi quét rác ở chung cư và ai mướn gì làm nấy" - giọng bà Út buồn buồn.

Ông Lê Tấn Bình, Trưởng ban Điều hành khu phố 1 (phường An Phú - quận 2) vừa lần giở danh sách hộ nghèo đề nghị được trợ cấp tặng quà dịp Tết Nhâm Thìn vừa cho biết, cả khu có tới 30 hộ được cấp mã số hộ nghèo, nhận trợ cấp thường xuyên và những trường hợp như nhà bà Út là không hiếm. Không ít gia đình khi đến đây có hàng chục nhân khẩu nhưng diện tích nhà TĐC bé nên họ không bám trụ được, cuộc sống khó khăn hơn trước. "Những người ở nhà TĐC thường là có nghề nghiệp ổn định còn lao động phổ thông mà ở nhà lầu thì xoay xở chả đủ sống. Khó cho họ quá" - ông Bình chia sẻ.

Ông Lưu Quốc Xương chia sẻ, phần đông dân TĐC là lao động phổ thông nhưng nay muốn làm công việc cũ trước khi di dời thì phải đi xa thêm gần 10km trong khi thu nhập không tăng nên nhiều người bỏ. Không ít gia đình đã phải bán nhà, đi thuê nhà bám mặt đường để kiếm sống. Có đến 70% dân tại khu TĐC Bình Trưng đã bán nhà để chuyển đi nơi khác và chuyện này sẽ còn tiếp diễn. Bản thân ông Xương trước làm nghề sơn tàu ở sông Sài Gòn nay cũng phải bỏ do đi lại xa mà thu nhập thấp.

Điều đáng lưu tâm là những trường hợp trong bài viết đều là sự gặp gỡ ngẫu nhiên. Họ đại diện cho một nhóm người đang gặp nhiều khó khăn trên con đường hòa nhập với cuộc sống "hậu" TĐC, đặc biệt là sinh kế. "TP cũng hỗ trợ khá nhiều để người dân TĐC được học nghề, từ đó kiếm việc làm mới. Tuy nhiên, còn có khoảng cách nhất định giữa mong muốn học nghề của người dân với khả năng đào tạo của trường nghề, gồm: sửa chữa điện cơ, vi tính, điện thoại, may mặc, làm hoa giả, trang điểm... Trong khi đó, nhiều người dân lại chỉ muốn kiếm việc theo kiểu "mì ăn liền" - ông Lưu Quốc Xương nói thêm.

Theo Phòng LĐ-TB&XH quận 2 - địa bàn có số dự án cần giải phóng mặt bằng đứng hàng đầu tại TP Hồ Chí Minh - tính đến tháng 9-2011, 9 chủ đầu tư có dự án trên địa bàn vẫn chưa hoặc thực hiện dở dang việc đóng góp 3% kinh phí dự án vào Quỹ Hỗ trợ đào tạo và giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi (Quỹ 156) theo quy định. Cũng chỉ có 160 hộ được vay 5,4 tỷ đồng từ Quỹ 156 và 653 lao động được giải quyết việc làm trong quãng thời gian nêu trên. Ngoài ra, kết quả kiểm tra việc sử dụng Quỹ 156 tại 179 hộ ở phường Bình Trưng Đông, An Phú, Thạnh Mỹ Lợi cho thấy chỉ có 75 hộ (41,89%) sử dụng vốn hiệu quả. 104 hộ còn lại sử dụng vốn chưa hiệu quả vì chưa có kinh nghiệm kinh doanh hoặc chọn ngành nghề chưa phù hợp…

Rõ ràng, tìm sinh kế cho cuộc sống mới đòi hỏi nỗ lực rất lớn của người dân TĐC. Mọi sự cố gắng nếu chỉ là "một chiều" hoặc nửa vời, gián đoạn ở đâu đó thì thiệt thòi nhất chính là người dân. "Lập nghiệp" và "an cư" đối với họ là câu chuyện không thể tách rời. Có như thế, mục tiêu tạo điều kiện cho người dân TĐC có điều kiện sống bằng hoặc cao hơn nơi ở cũ ở nhiều nơi trong TP Hồ Chí Minh vẫn đang dừng lại ở "khẩu hiệu".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chưa an cư, khó lạc nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.