(HNM) - Thống kê trong 5 năm cho thấy, số tài sản thiệt hại do các hành vi tham nhũng tại Hà Nội gây nên lên đến hơn 967 tỷ đồng. Tham nhũng ngày càng diễn biến phức tạp và rất dễ phát sinh, nhất là trong các lĩnh vực ''nhạy cảm'' như, ngân hàng, đầu tư xây dựng, đất đai, quản lý tài sản công, triển khai các dự án, tài chính ngân sách, giải phóng mặt bằng...
Thiếu tướng Trần Long Xuyên, Phó Giám đốc CATP Hà Nội cho biết, đối tượng tham nhũng ngày càng đa dạng, thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo quyệt và gây hậu quả nghiêm trọng. Chỉ riêng vụ án một cán bộ tín dụng ngân hàng đã tham ô, chiếm đoạt hơn 200 tỷ đồng; hay vụ lãnh đạo một ngân hàng lợi dụng ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi 5 tỷ đồng... Qua công tác điều tra, xử lý, CATP phát hiện vẫn còn sơ hở, thiếu sót trong cơ chế, chính sách quản lý (CATP đã gửi các cấp 447 kiến nghị phòng ngừa).
Phó ban Thường trực Ban chỉ đạo (BCĐ) PCTN TP Hà Nội Đỗ Ngọc Toàn khẳng định, trong 5 năm (2006-2011), triển khai Nghị quyết TƯ 3 (khóa X) và Chương trình hành động số 15 của Thành ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), lãng phí". TP đã tập trung rà soát, ban hành các văn bản, cơ chế, chính sách vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa khắc phục những kẽ hở trong quản lý. Bên cạnh đó, chấn chỉnh công tác thi tuyển, tiếp nhận cán bộ, công chức (CBCC), ngăn chặn việc chạy chức, chạy quyền, chạy tội; công khai dự toán, quyết toán ngân sách; minh bạch trong đầu tư xây dựng… TP đã đổi vị trí công tác 1.080 CBCC; kiến nghị đơn giản hóa 1.292 thủ tục hành chính; yêu cầu CBCC, đảng viên kê khai minh bạch về tài sản, thu nhập… nhằm ngăn ngừa hành vi tham nhũng.
Cùng với phương châm "chủ động phòng ngừa", Hà Nội đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đặc biệt là tăng cường vai trò giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND, MTTQ TP và hoạt động của các cơ quan pháp luật. Trong 5 năm, toàn TP đã kết luận giải quyết 375 đơn tố cáo hành vi tham nhũng. Giá trị tài sản tham nhũng được phát hiện qua thanh tra, kiểm tra lên tới hơn 1.140 tỷ đồng. Thành ủy đã chỉ đạo đảng ủy các cấp kiểm tra, xử lý kỷ luật 52 trường hợp có hành vi tham nhũng. Trong 5 năm, có 41 đơn vị để xảy ra tham nhũng, 62 CBCC liên quan bị xử lý kỷ luật cùng 109 vụ án tham nhũng (265 bị cáo) được đưa ra xét xử…
Tuy nhiên, công tác đấu tranh PCTN vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện và xử lý còn thấp. Số tài sản đã thu hồi (hơn 317 tỷ đồng) chiếm khoảng 30% tổng số tài sản thiệt hại do tham nhũng. Vẫn còn tình trạng CBCC nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp, tổ chức và công dân (trong các khâu làm thủ tục thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thẩm định hồ sơ dự án, duyệt quyết toán…). Đáng nói, phần lớn các vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện trong 5 năm qua là do quần chúng nhân dân tố giác. Rất ít vụ được phát hiện trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Vì vậy, Thành ủy Hà Nội xác định, đấu tranh PCTN là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài; gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, cải cách hành chính, coi PCTN là nhiệm vụ trọng tâm, với phương châm "chủ động phòng ngừa, phát hiện kịp thời, ngăn chặn hiệu quả, xử lý nghiêm minh". "Trên có nghiêm, dưới mới tốt", đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục; nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của các cấp ủy, nhất là người đứng đầu và phát huy vai trò giám sát của MTTQ, các đoàn thể chính trị trong PCTN. Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh việc học tập, làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; kiện toàn bộ máy PCTN, tăng cường kiểm tra, giám sát CBCC; xây dựng chế tài đủ mạnh để xử lý các trường hợp tham nhũng đã bị phát hiện; tiếp tục chỉ đạo có hiệu quả việc kê khai minh bạch tài sản. Đồng thời thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trực tiếp tham gia đấu tranh PCTN, nhất là trong công tác phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các hành vi tham nhũng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.