Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ trương chung là không công khai danh tính người tố giác tham nhũng

Hà Phong| 06/06/2014 06:04

(HNM) - Vấn đề mua tin chống tham nhũng đang nhận được luồng ý kiến khác nhau. Theo Viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, "phòng chống tham nhũng là trách nhiệm của mọi người dân, không nên đặt vấn đề mua tin".



Song bên lề Quốc hội chiều 5-6, Phó Trưởng ban Nội chính TƯ Nguyễn Doãn Khánh lại cho rằng, Ban Nội chính TƯ đã thực hiện chi với những tin thực sự có giá trị, góp phần làm sáng tỏ nhiều vụ án lớn được dư luận đặc biệt quan tâm.

Ảnh: Người Lao động


- Vừa qua, có địa phương công khai việc mua tin chống tham nhũng và nhận được nhiều ý kiến đánh giá, khen có, chê có. Quan điểm của ông ra sao?

- Tôi cho rằng đây là cách hỗ trợ cho người cung cấp thông tin tố giác, làm căn cứ để chứng minh quá trình khởi tố điều tra là có cơ sở.

- Như thế có nghĩa là khi có kết quả rồi thì thông tin đó mới được xem xét?

- Không phải thế. Nếu làm như vậy sẽ không mang tính chất khuyến khích cho người cung cấp nguồn tin. Đây được coi là khoản mật chi. Người đứng đầu các cơ quan phòng chống tham nhũng chịu trách nhiệm về nội dung chất lượng, tính hiệu quả và mức độ chi trong từng nguồn tin. Các ban nội chính ở địa phương hằng năm sẽ phải xây dựng kế hoạch chi, kế hoạch này sẽ được thường trực tỉnh ủy của các địa phương xem xét, cân đối ngân sách.

- Đã có bao nhiêu người báo tin phòng chống tham nhũng hiệu quả, về nội dung gì, mức chi cho một tin tố giác tham nhũng có giá trị cao nhất là bao nhiêu, thưa ông?

- Khoảng vài chục người, chủ yếu thông tin nhận được về những lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng cao, liên quan đến quản lý đất đai, tài chính, ngân sách. Việc phân phối nguồn lực cho đầu tư, ngân hàng, tín dụng cũng được đề cập. Mức chi cao nhất là 10 triệu đồng, dựa vào độ tin cậy và giá trị của tin. Thực tế, thời gian qua người cung cấp thông tin muốn đóng góp cho công tác phòng chống tham nhũng là chính chứ không quan tâm đến phần hỗ trợ.

- Ông có thể cho biết đã có nguồn tin nào được trả bằng tiền có đóng góp rất lớn trong việc phòng chống tham nhũng?

- Có. Ban Nội chính TƯ đã thực hiện chi với một số tin thực sự có giá trị, góp phần làm sáng tỏ những vụ án được dư luận đặc biệt quan tâm. Điển hình là vụ án liên quan đến Vinalines. Ngoài cơ chế hỗ trợ, việc bảo vệ người cấp tin cũng rất quan trọng, chủ trương chung là không công khai danh tính của người đó.

- Theo ông, về lâu dài mức chi trả tin tố giác tham nhũng có nên dựa theo nguồn tiền thu được từ tham nhũng?

- Đúng là hiện nay kinh phí mua tin phòng chống tham nhũng dựa vào ngân sách nên cũng hơi thụ động. Trong khi đó, hoàn toàn chưa có cơ sở để đưa ra mức dự báo chính xác được, mà phụ thuộc vào tình hình kết quả của việc đấu tranh phòng chống tham nhũng, sự giác ngộ của các tổ chức, cá nhân trong việc phối hợp với các cơ quan phòng chống tham nhũng. Tôi cho rằng, nếu thành lập Quỹ Phòng chống tham nhũng trên cơ sở trích tỷ lệ phần trăm thu hồi được từ chống tham nhũng đem lại để hỗ trợ đội ngũ thực hiện, mua sắm trang thiết bị, phục vụ nguồn tin phòng chống tham nhũng chắc chắn sẽ hiệu quả hơn.

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chủ trương chung là không công khai danh tính người tố giác tham nhũng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.