(HNM) - Theo dự báo của Chính phủ, vẫn còn nhiều yếu tố tác động, ẩn chứa nguy cơ gia tăng lạm phát trong năm 2013 do ảnh hưởng trực tiếp của giá hàng hóa, nhiên liệu trên thị trường thế giới cũng như giá lương thực, thực phẩm trong nước.
Do đó, các cấp điều hành vĩ mô vẫn phải bám sát mục tiêu kiềm chế lạm phát, nhưng động thái chỉ đạo sẽ linh hoạt hơn. Trong khi đó, quá trình thực hiện giải ngân ở hàng loạt dự án, công trình sử dụng vốn từ nguồn ngân sách, trái phiếu chính phủ diễn ra với tốc độ nhanh hơn kết hợp với các nguồn đầu tư từ nguồn trong nước và nước ngoài… sẽ tạo ra sức cầu lớn cả về vốn, nhu cầu sử dụng nguyên liệu, vật tư, hàng hóa. Nền kinh tế có khả năng tăng trưởng cao hơn. Một số tổ chức quốc tế nhận định, tình hình kinh tế năm 2013 có thể hồi phục khá rõ.
Tăng cường ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát thông qua chính sách tiền tệ linh hoạt tiết kiệm sẽ góp phần ổn định nền kinh tế Việt Nam trong năm 2013. Ảnh: Đàm Duy |
Chính phủ chủ trương áp dụng một số nhóm giải pháp với mục tiêu cao nhất là giúp DN trụ vững. Đó là, tăng cường ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát thông qua chính sách tiền tệ linh hoạt, tiết kiệm; tập trung tháo gỡ khó khăn, rà soát thủ tục để cho DN vay vốn tín dụng với lãi suất hợp lý kết hợp xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; tăng cường xúc tiến thương mại và giải quyết hàng tồn kho. Đặc biệt, tiếp tục giãn, giảm thuế TNDN của quý I, II và III năm 2013 và gia hạn nộp 6 tháng với thuế giá trị gia tăng và hoàn lại thuế bảo vệ môi trường cũng như giảm 50% tiền thuê đất cho một số đối tượng DN. Chính phủ cũng dự kiến áp dụng thuế suất thuế TNDN là 20% thay vì 25% cho DN vừa và nhỏ. Tính chung, cả gói giải pháp tổng thể trên sẽ giúp cộng đồng DN giảm chi được 34 nghìn tỷ đồng mà lẽ ra phải nộp ngân sách, đồng thời thể hiện sự chia sẻ thiết thực của Nhà nước, xã hội với DN. Những lĩnh vực được tập trung hỗ trợ là xuất khẩu, nông nghiệp - nông thôn và công nghiệp phụ trợ.
Năm 2013 là năm bản lề cho những năm kế tiếp nên cần tập trung các giải pháp duy trì ổn định vĩ mô, tăng trưởng hợp lý; nâng cao sức cạnh tranh của môi trường kinh doanh kết hợp tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng DN; cải thiện vấn đề việc làm, thu nhập và đời sống cho các tầng lớp dân cư. Các chuyên gia khuyến nghị, không nên chỉ trông chờ vào sự hồi phục của kinh tế thế giới, Việt Nam cần chủ động hơn trên cơ sở xác định các mục tiêu phát triển phù hợp, có chính sách điều tiết hướng tới sự ổn định, giải quyết các vấn đề nội tại của nền kinh tế. Đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động; khuyến khích sử dụng công nghệ hiện đại theo hướng tăng trưởng xanh và tiêu hao ít năng lượng. Tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, hỗ trợ xuất khẩu kết hợp nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm trong công nghiệp chế tạo, chế biến. Năm 2013 tổng sản phẩm trong nước tăng khoảng 5,5%; kim ngạch xuất khẩu tăng 10%, khống chế mức nhập siêu dưới 8% của tổng kim ngạch xuất khẩu...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.