(HNM) - Từ đầu năm 2018 đến nay, các chính sách dân tộc được chú trọng triển khai trên địa bàn TP Hà Nội bảo đảm đúng đối tượng, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.
Được mời dự chương trình khám, chữa bệnh và tư vấn chăm sóc sức khỏe miễn phí do Ban Dân tộc TP Hà Nội phối hợp với Sở Y tế, Thành đoàn và địa phương tổ chức, bà Bùi Thị Đồng (người dân tộc Mường, xã Yên Bình, huyện Thạch Thất) phấn khởi cùng cháu nội đi khám bệnh từ sớm.
Bà chia sẻ: “Tôi già rồi, nhiều bệnh nhưng đường sá xa xôi, không có điều kiện đến bệnh viện khám, chữa. Hôm nay, có các y, bác sĩ ở thành phố về xã trực tiếp thăm khám, phát nhiều thuốc bổ nên tôi vui lắm”.
Phó Trưởng ban Dân tộc thành phố Nguyễn Phúc Hải cho biết, từ đầu năm đến nay, cùng với chương trình chăm sóc sức khỏe, thành phố còn tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Tại những huyện có các xã thuộc vùng dân tộc thiểu số miền núi, công tác dân tộc luôn được chú trọng. Nổi bật là các địa phương đã chủ động, tích cực triển khai đề án khôi phục, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Trong đó, huyện Quốc Oai tổ chức 2 buổi ngoại khóa giới thiệu về bản sắc văn hóa dân tộc Mường cho 400 em học sinh và tổ chức các lớp tập huấn cồng chiêng cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhằm giúp bà con phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, huyện Thạch Thất tổ chức 3 lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất nông, lâm nghiệp cho hơn 600 lượt nông dân thuộc 3 xã Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung; tổ chức 2 lớp tập huấn kỹ thuật nuôi ong cho 110 người dân 2 xã Yên Trung, Yên Bình.
Huyện Mỹ Đức tổ chức 2 lớp dạy nghề mây, tre đan, 2 lớp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho hơn 500 người dân tộc thiểu số; 1 lớp tập huấn về công tác dân tộc, chính sách dân tộc cho hơn 300 lượt người.
Tại huyện Ba Vì, công tác khuyến nông được đẩy mạnh, nhất là các mô hình trồng thuốc Nam của người Dao xã Ba Vì, trồng chè sạch và rau sạch...
Có được kết quả tích cực trong 9 tháng năm 2018, bởi Ban Dân tộc thành phố đã tham mưu thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020. Đồng thời, phối hợp rà soát, xác định đối tượng và nhu cầu vốn, đồng thời xây dựng kế hoạch trình UBND thành phố phê duyệt, dự kiến tổng kinh phí thực hiện là 21,2 tỷ đồng.
Ban Dân tộc đã hướng dẫn UBND các huyện Ba Vì, Mỹ Đức tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo vùng khó khăn theo Quyết định số 102/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, UBND huyện Mỹ Đức đã chi trả trực tiếp cho hộ nghèo với tổng kinh phí 256 triệu đồng, bảo đảm đúng đối tượng được thụ hưởng. Ban Dân tộc đã thành lập đoàn công tác liên ngành kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch số 138/KH-UBND của UBND thành phố, kiến nghị giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế các huyện vùng dân tộc, miền núi...
Dù vậy, trong 9 tháng năm nay, việc thực hiện các chủ trương, chính sách dân tộc vẫn còn tồn tại. Một số chương trình, dự án vùng dân tộc, miền núi có nội dung đạt kết quả chưa cao do nguồn lực đầu tư hạn chế, không đúng tiến độ. Việc bố trí nguồn vốn cho các dự án theo Kế hoạch số 138/KH-UBND của UBND thành phố còn chậm.
Theo Phó Trưởng ban Dân tộc thành phố Nguyễn Ánh Dương, từ nay đến cuối năm, đội ngũ cán bộ thực hiện công tác dân tộc quyết tâm vượt khó, hoàn thành tốt nhiệm vụ năm, tạo tiền đề tổ chức tốt Đại hội đại biểu Các dân tộc thiểu số lần thứ ba trong năm 2019.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.