(HNM) - Một mục tiêu Đảng bộ TP Hà Nội quyết tâm thực hiện trong nhiệm kỳ 2010-2015 là nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở.
Không chỉ đạt chuẩn về lý luận chính trị, yêu cầu bắt buộc đối với 100% cán bộ chủ chốt cấp xã, phường, thị trấn và 80% cán bộ chuyên môn cấp xã là phải có trình độ đại học. Ngoài việc giao chỉ tiêu cho từng cấp ủy, có chính sách khuyến khích cán bộ đi học, tăng cường mở lớp…, thì việc đào tạo và bổ sung khoảng 1.000 cán bộ làm công tác Đảng cho cơ sở được coi là giải pháp để hiện thực hóa mục tiêu.
Bất cập về trình độ
Các học viên học tập tại Trung tâm bồi dưỡng chính trị quận Đống Đa. Ảnh: Linh Tâm
Nghị quyết của Đảng, chủ trương, chính sách của Nhà nước có đi vào cuộc sống hay không phụ thuộc rất lớn vào cấp cơ sở. Đây vừa là nơi tiếp nhận, vừa là nơi triển khai đưa chủ trương, nghị quyết vào cuộc sống, quyết định đến hiệu quả thực thi. Nhưng có một khó khăn ở nhiều địa phương hiện nay là năng lực cán bộ hạn chế, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Chuẩn bị cho chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), TP Hà Nội đã khảo sát trình độ cán bộ tại 401 xã. Trong 6.133 người thì chỉ có 76,44% đạt chuẩn. Một số huyện, thị xã đạt tỷ lệ thấp như Đan Phượng 52,12%, Thanh Oai 52,88%, Sơn Tây 63,29% cán bộ đạt chuẩn. Bí thư Huyện ủy Thanh Oai Phan Chu Đức thừa nhận, huyện gặp nhiều khó khăn trong công tác tạo nguồn và đào tạo cán bộ cơ sở. Đây cũng là khó khăn chung của nhiều nơi. Thống kê đến nay, toàn TP vẫn còn 683 cán bộ cấp xã chưa qua đào tạo về chuyên môn và 1.712 người chưa qua đào tạo về lý luận chính trị.
Sự bất cập về trình độ nghiệp vụ, lý luận chính trị là một trong những nguyên nhân căn bản khiến cho năng lực điều hành, quản lý của bộ máy chính quyền hạn chế, còn lúng túng nhất là trong công tác quản lý đất đai, xây dựng cơ bản, xây dựng NTM. Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Văn Hải cho biết, hiện có rất nhiều cán bộ chuyên môn cấp xã không đọc được bản vẽ về xây dựng. Còn Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Nguyễn Văn Phong cho rằng, không ít cán bộ bị lẫn lộn giữa chương trình và đề án xây dựng NTM chứ chưa nói đến đọc bản vẽ…
Năng lực cán bộ hạn chế nên nhiều địa phương rất lúng túng khi cụ thể hóa nghị quyết, đề án công tác của cấp trên; tình trạng viết chung chung, "sao y bản chính" chương trình hành động, đề án công tác của cấp trên làm của mình vẫn khá phổ biến. Chưa kể, đội ngũ cán bộ làm công tác Đảng, đoàn thể còn yếu và thiếu, công tác quản lý cán bộ chưa sâu sát dẫn đến một số địa phương để xảy ra tình trạng lãnh đạo chủ chốt vi phạm pháp luật. Không ít cấp ủy thiếu chủ động, không quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, còn để xảy ra mất đoàn kết nội bộ hoặc đùn đẩy, chậm xem xét, giải quyết vụ việc phức tạp, kéo dài gây bức xúc trong dư luận…
Đổi mới tuyển dụng, quản lý và sử dụng cán bộ
Mới đây, Thành ủy Hà Nội đã thông qua Chương trình "Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy đảng và đội ngũ đảng viên; năng lực điều hành, quản lý của bộ máy chính quyền; chất lượng hoạt động của MTTQ, các đoàn thể nhân dân các cấp giai đoạn 2011-2015". Trước mắt, TP rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống quy chế, quy định, quy trình về công tác cán bộ; xây dựng một số quy định đặc thù như: quy định chế độ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu; quy chế lấy ý kiến quần chúng đánh giá cán bộ… để tổ chức thực hiện thống nhất. Hà Nội sẽ đi đầu thực hiện chủ trương chuẩn hóa, trẻ hóa, tăng tỷ lệ cán bộ nữ và từng bước nhất thể hóa chức danh cán bộ. Các khâu tuyển dụng, quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ được đổi mới toàn diện. Ngoài công khai, minh bạch công tác tuyển dụng cán bộ, công chức thông qua thi tuyển, TP sẽ xây dựng cơ chế, tiêu chí tuyển dụng đối với sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc hoặc cán bộ có thành tích xuất sắc trong công tác ở cơ sở. Cùng với đó là thí điểm thi tuyển một số chức danh lãnh đạo ở xã, phường, thị trấn nhằm lựa chọn được nhân sự tốt nhất, đáp ứng yêu cầu hoàn thành nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Đảng bộ TP Hà Nội quyết định lựa chọn khoảng 1.000 sinh viên đã tốt nghiệp các trường đại học để bồi dưỡng nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng, công tác kiểm tra, công tác tuyên giáo… bổ sung cho 577 xã, phường, thị trấn.
Hình thức đánh giá chất lượng cán bộ, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cán bộ chủ chốt cấp cơ sở sẽ được tiến hành dân chủ hơn, trên cơ sở lấy chất lượng, hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ làm thước đo. Cấp ủy các cấp kiên quyết miễn nhiệm, thay thế những cán bộ lãnh đạo, quản lý không hoàn thành nhiệm vụ, những cán bộ chuyên quyền, độc đoán, bảo thủ, thiếu trách nhiệm để địa phương xảy ra vụ việc nổi cộm, bức xúc kéo dài... Bên cạnh đó, căn cứ nhu cầu kiến thức, kỹ năng mà đội ngũ cán bộ cơ sở đang cần, TP sẽ huy động 73 trường đại học trên địa bàn cùng vào cuộc để đào tạo giúp 100% cán bộ chủ chốt cấp xã, phường, thị trấn có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên; 100% cán bộ chủ chốt cấp phường, thị trấn và 80% cán bộ chủ chốt cấp xã có trình độ chuyên môn đại học đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ đang đặt ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.