(HNM) - Về Phùng Xá, chúng tôi thực sự ngạc nhiên trước cơ ngơi của bệnh binh 4/4 Nguyễn Đăng Thành. Ông là một trong số ít cựu chiến binh làm kinh tế giỏi và có sự đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của làng dệt truyền thống ở huyện Mỹ Đức.
Bệnh binh 4/4 Nguyễn Đăng Thành kiểm tra xưởng dệt. |
Bên xưởng dệt rộng hàng ngàn mét vuông, thay vì “khoe” các đơn đặt hàng, sản phẩm mới hay thành quả đáng tự hào trong nhiều năm lăn lộn làm kinh tế, cựu chiến binh Nguyễn Đăng Thành lại hoài niệm về chiến trường Thành cổ Quảng Trị. Ở nơi đó, từ năm 1971 đến 1973, ông đã cùng đồng đội tham gia chiến đấu oanh liệt, từng giây phút luôn đối mặt với hy sinh, mất mát... Bị thương nặng, do sức quá yếu, không thể tiếp tục ở lại chiến trường, ông được đưa ra miền Bắc trị thương, rồi phục viên về quê.
Trở lại cuộc sống đời thường, mang trong mình nhiều vết thương chiến tranh, ốm đau triền miên… mặc dù được Đảng và Nhà nước quan tâm chăm sóc, nhưng ông không ỷ lại mà tìm cách vượt khó, quyết tâm xóa nghèo, làm giàu cho gia đình. Dồn tâm sức vào chính nghề dệt truyền thống của quê hương Phùng Xá, ông đã từng bước vượt khó, đi lên. Ý chí, nghị lực, tinh thần tiên phong được rèn giũa từ trong quân ngũ được ông “vận dụng” triệt để vào làm nghề... Những phẩm chất tốt đẹp được cộng hưởng với tinh thần trọng chữ “tín” trong sản xuất, kinh doanh nên nhiều thời điểm làng nghề lao đao, xưởng dệt của gia đình ông vẫn trụ vững và phát triển... Đến nay, ngoài hơn 100 khung dệt tại xưởng, ông còn tạo việc làm cho hàng trăm hộ vệ tinh trong xã.
Thời điểm chúng tôi tới thăm, xưởng sản xuất của ông vừa ký hợp đồng gia công cho đối tác Nhật Bản các chủng loại sản phẩm làng nghề, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động quanh vùng. Đáng quý hơn, gia đình ông luôn đi đầu trong các đợt ủng hộ địa phương xây dựng nông thôn mới và hoạt động từ thiện với số tiền hàng trăm triệu đồng mỗi năm… Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Thành còn là tấm gương điển hình trong việc nuôi dạy các con học hành, thành đạt. Các con của ông, người là giáo viên, người làm nhân viên ngân hàng và cùng ông quản lý nhà xưởng, duy trì, mở rộng sản xuất, kinh doanh…
Thấu hiểu và thương cha mình, anh Nguyễn Đăng Quý chia sẻ: Với nhiều người có công, nhất là các thương bệnh binh thì chỉ cần cuộc sống ổn định, đầm ấm là đã cảm thấy hạnh phúc. Cũng dễ hiểu, bởi họ đã đi qua những cuộc chiến hào hùng, chứng kiến nhiều đau thương, mất mát, hy sinh… Gia đình tôi may mắn hơn rất nhiều gia đình thương bệnh binh khác bởi bố tôi dù sức yếu nhưng vẫn luôn là trụ cột vững chãi về mọi mặt cho gia đình. Bố là tấm gương về tinh thần phấn đấu, cốt cách chuẩn mực, ứng xử linh hoạt, có lý, có tình trong công việc và cuộc sống cho chúng tôi học tập, noi theo. Điều tôi thấm thía nhất là lời bố khuyên phải giữ gìn, trân trọng chữ “tín”, coi đó là nền tảng trong “đối nhân xử thế” và sản xuất, kinh doanh...
Trăn trở về làng nghề truyền thống, ông Thành chia sẻ: Do kỹ thuật dệt của làng nghề còn nhiều hạn chế, mặc dù đã cải tiến, đầu tư công nghệ nhưng cơ bản chưa đáp ứng yêu cầu thời hội nhập. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến hoạt động chủ yếu của làng nghề là gia công sản phẩm cho các công ty lớn thay vì xuất khẩu trực tiếp tới các nước trên thế giới. Nếu được các cấp chính quyền, cơ quan chức năng tạo điều kiện hơn nữa về vốn, mặt bằng, công nghệ, quảng bá, xúc tiến thương mại... thì hiệu quả sản xuất chắc chắn sẽ cao hơn!
Ghi nhận thành quả và sự đóng góp của cựu chiến binh Nguyễn Đăng Thành, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mỹ Đức Trần Ngọc Nghìn cho biết thêm, chính quyền địa phương luôn trân trọng, tôn vinh cựu chiến binh Nguyễn Đăng Thành như một tấm gương sáng về nghị lực vượt khó, khắc phục hoàn cảnh để làm giàu, nuôi dạy con cái thành đạt và đóng góp cho xã hội. Thực tế, cơ sở sản xuất của ông Thành ngày càng lớn mạnh và luôn có vai trò quan trọng trong sự ổn định, phát triển của làng nghề dệt Phùng Xá nói riêng và góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội địa phương nói chung.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.