(HNM) - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thực hiện chuyến công du Indonesia và Malaysia bắt đầu từ ngày 2-10.
Đây là chuyến thăm các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đầu tiên của ông Tập Cận Bình trên cương vị Chủ tịch nước và là chuyến thăm nước ngoài lần thứ 4 kể từ khi ông nhậm chức hồi tháng 3 vừa qua. Sự hiện diện của nhà lãnh đạo quốc gia đông dân nhất thế giới tại Indonesia và Malaysia - hai nền kinh tế thành viên quan trọng trong ASEAN và APEC - không chỉ mở ra những cơ hội hợp tác song phương mà còn là dịp để Trung Quốc khẳng định vai trò của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đối với khu vực địa chiến lược này.
Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. |
Không chỉ là quốc gia đông dân nhất trong ASEAN, Indonesia còn là thành viên duy nhất của ASEAN nằm trong danh sách các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20). Đến nay Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Indonesia, với kim ngạch thương mại hai chiều tăng mạnh từ 26,6 tỷ USD năm 2009 lên 66,6 tỷ USD năm 2012 và dự kiến con số này sẽ tăng lên 80 tỷ USD vào năm 2015. Dù chỉ kéo dài 48 tiếng, nhưng chuyến thăm Indonesia của Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tục mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa hai nước trên rất nhiều lĩnh vực.
Một thỏa thuận mậu dịch song phương mới trị giá gần 24 tỷ USD được Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống nước chủ nhà Susilo Yudhoyono công bố ngay sau cuộc hội đàm tại thủ đô Jakarta được xem là thành công nổi bật của chuyến thăm. Đây là một phần trong sáng kiến mà lãnh đạo hai bên đã nhất trí nhằm nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 100 tỷ USD vào năm 2020. Cùng với thỏa thuận trao đổi tiền tệ trị giá 16 tỷ USD trong 3 năm nhằm hỗ trợ đồng rupiah của Indonesia trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, các nhà lãnh đạo hai bên còn nhất trí đẩy mạnh hợp tác trên một loạt lĩnh vực như công nghiệp, cơ sở hạ tầng, giao thông, năng lượng và tài chính cũng như biển và nghề cá. Để đẩy mạnh hợp tác hơn nữa với Indonesia, Chủ tịch Tập Cận Bình đã chính thức thông báo kế hoạch mở lãnh sự quán Trung Quốc ở đảo nghỉ mát Bali. Một trung tâm văn hóa Trung Quốc cũng sẽ được xây dựng ở thủ đô Jakarta và 1.000 sinh viên Indonesia sẽ được trao học bổng học tập tại Trung Quốc.
Là chặng dừng chân thứ hai trong chuyến công du của Chủ tịch Tập Cận Bình nhưng Malaysia cũng có vị trí hết sức quan trọng trong chiến lược mở rộng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong ASEAN. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia trong 4 năm liên tiếp và Malaysia là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong 5 năm qua với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 94,8 tỷ USD năm 2012. Riêng trong 7 tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại song phương đã đạt 59,72 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trên tinh thần đó, chuyến thăm Malaysia ba ngày của Chủ tịch Tập Cận Bình có ý nghĩa quan trọng, thể hiện cam kết của lãnh đạo mới Trung Quốc về duy trì quan hệ hữu nghị lâu dài với Malaysia kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1974. Dù chưa công bố các thỏa thuận hợp tác cụ thể, nhưng trong cuộc hội đàm ngày 4-10 tại Kuala Lumpur, Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng nước chủ nhà Najib Tun Razak đã thống nhất về hướng đi tương lai cho mối quan hệ Malaysia - Trung Quốc. Trong đó bao gồm những thỏa thuận tái khẳng định cam kết tăng cường hợp tác trong tất cả các lĩnh vực và góp phần vào sự thịnh vượng, duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.
Chuyến công du Indonesia và Malaysia của Chủ tịch Tập Cận Bình diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang đẩy mạnh hợp tác với 10 nước thành viên ASEAN. Các chuyên gia phân tích cho rằng, việc thắt chặt quan hệ với Indonesia không chỉ giúp Trung Quốc củng cố quan hệ ASEAN mà thông qua quốc gia quan trọng này tại khu vực, Bắc Kinh có thể tìm được tiếng nói chung trong việc giải quyết những tranh chấp trên Biển Đông.
Trong bối cảnh đó, Tuyên bố chung nhất trí duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông là trách nhiệm chung của các nước trong khu vực được Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono đưa ra đã có ý nghĩa quan trọng. Tuyên bố nhấn mạnh việc Trung Quốc, Indonesia và các nước ASEAN sẽ cùng đối thoại để thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Khẳng định mục tiêu sau cùng là thông qua bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) đã thể hiện quyết tâm và cam kết của Trung Quốc và ASEAN nhằm thúc đẩy hợp tác, duy trì hòa bình, ổn định tại vùng biển có vị trí quan trọng trên bản đồ hàng hải quốc tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.