(HNM) - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chọn Kazakhstan và Uzbekistan cũng như tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát hơn hai năm qua. Các nhà phân tích nhận định chuyến thăm kéo dài 3 ngày (từ 14 đến 16-9) không chỉ chứng tỏ Trung Quốc coi trọng Trung Á và SCO, mà còn cho thấy Bắc Kinh muốn thúc đẩy hợp tác và mở rộng tầm ảnh hưởng ở khu vực.
Trong chuyến công du đầu tiên sau đại dịch, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã chọn tham dự Hội nghị Thượng đỉnh SCO và thăm cấp nhà nước 2 quốc gia Trung Á là Kazakhstan và Uzbekistan. Năm nay đánh dấu kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc với hai nước này, do vậy đây là thời điểm lý tưởng để tăng cường và thúc đẩy quan hệ song phương.
Hơn nữa, năm 2023 sẽ kỷ niệm 10 năm Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), trong đó Kazakhstan là nơi đầu tiên ông Tập Cận Bình đưa ra sáng kiến này. Tính đến nay, hơn 140 quốc gia và hơn 30 tổ chức quốc tế đã ký kết các văn kiện hợp tác BRI với Trung Quốc. Theo dữ liệu chính thức, thương mại của Trung Quốc với các nền kinh tế BRI đã tăng 20,2% trong 8 tháng năm 2022 so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhắc lại sáng kiến BRI do Chủ tịch Trung Quốc khởi xướng, Chủ tịch đảng Nhân dân Kazakhstan Yermukhamet Ertysbayev cho biết: "Điều này sẽ tạo thêm một động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của một khu vực liên lục địa rộng lớn từ Thái Bình Dương, Baltic, đến Địa Trung Hải". Trong khi đó, Giám đốc Viện Các vấn đề quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc Wang Yiwei nhận định trên tờ Global Times rằng sáng kiến này đã giúp các quốc gia Trung Á không giáp biển như Kazakhstan kết nối với biển, và đây là động lực lớn cho các nền kinh tế địa phương.
Trung Quốc và Kazakhstan đã thiết lập một bến hậu cần tại Liên Vân Cảng của tỉnh Giang Tô, đây là lối ra đầu tiên của Kazakhstan ra Thái Bình Dương. Thương mại song phương hằng năm giữa Trung Quốc và Kazakhstan đạt 25,25 tỷ USD vào năm 2021, gấp gần 70 lần so với năm 1992, năm mà hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Kết quả hợp tác trên giữa Kazakhstan với Trung Quốc đã trở thành ví dụ tiêu biểu trong việc hợp tác xây dựng, nhân lên giá trị của Sáng kiến Vành đai và Con đường. Thế nên, chiều 14-9, sau cuộc hội đàm, lãnh đạo 2 nước đã ra Tuyên bố chung giữa Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Cộng hòa Kazakhstan nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Đồng thời, lãnh đạo 2 nước tuyên bố Trung Quốc và Kazakhstan sẽ hợp tác vì mục tiêu và tầm nhìn xây dựng một cộng đồng với một tương lai chung được xác định bởi tình bạn lâu dài cũng như mức độ tin tưởng lẫn nhau.
Trong chuyến thăm tới Uzbekistan, nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng trao đổi sâu rộng về quan hệ song phương, hợp tác trong nhiều lĩnh vực và các vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm. Theo Đại sứ Trung Quốc tại Uzbekistan Jiang Yan, Trung Quốc và Uzbekistan đang nỗ lực hướng tới mục tiêu đạt 10 tỷ USD thương mại song phương hằng năm. Theo các chuyên gia, hợp tác BRI giữa Trung Quốc và các nền kinh tế Trung Á thể hiện một khái niệm mới về quan hệ quốc tế, tập trung vào kết nối thay vì tách rời, cũng như cung cấp một mô hình đối thoại giữa các nền văn minh.
Mối quan hệ của Trung Quốc với Kazakhstan và Uzbekistan đã đặt ra những tiêu chuẩn hợp tác trong các thành viên SCO, cũng như sự hợp tác của Trung Quốc với các nước Trung Á. Do vậy, giới quan sát cho rằng, việc chọn điểm đến là các nước thân thiện với Trung Quốc ở khu vực Trung Á sẽ tạo thuận lợi cho Bắc Kinh tái khẳng định vị thế trên trường quốc tế, tiếp tục mở ra nhiều cơ hội hợp tác và mở rộng tầm ảnh hưởng của mình ở khu vực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.