Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ tịch TP HCM: Không để doanh nghiệp muốn gặp lãnh đạo lại phải 'lót tay'

Theo VnExpress| 02/08/2016 07:38

Ông Nguyễn Thành Phong lưu ý lãnh đạo các cơ quan đầu ngành phải công khai tiếp xúc với doanh nghiệp, để các đơn vị này không phải tốn chi phí không chính thức.


Tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm, Chủ tịch UBND TP HCM - Nguyễn Thành Phong nhắc lại kết quả cho thấy một trong những chỉ tiêu làm giảm hiệu quả, uy tín môi trường đầu tư của thành phố là chi phí không chính thức. Ông Phong cho rằng hiện có những người chuyên làm việc "chạy chọt" chỉ để doanh nghiệp gặp gỡ, trình bày dự án đối với lãnh đạo.

Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP HCM lưu ý lãnh đạo các Sở cần công khai tiếp xúc với doanh nghiệp. Ảnh: Ngọc Hậu


“Lãnh đạo đầu ngành cần phải sắp xếp để gặp doanh nghiệp một cách công khai, trực tiếp, nghe doanh nghiệp trình bày mà không cần phải thông qua ai giới thiệu. Hiện nay, các doanh nghiệp muốn gặp thường trực UBND thành phố, nếu có công văn, văn bản thì tôi đều giao cho Văn phòng Ủy ban xếp lịch. Nhanh hay chậm là do lịch của văn phòng”, ông Phong chia sẻ.

Người đứng đầu thành phố khẳng định doanh nghiệp không cần thông qua người này, người nọ giới thiệu vì nếu thấy cần thiết, thành phố sẽ sắp xếp để gặp trực tiếp. “Thông qua ông A, ông B giới thiệu, doanh nghiệp sẽ mất tiền và sẽ hạ uy tín của Ủy ban. Không thể có chuyện Chủ tịch UBND thành phố khẳng định sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi về thủ tục, môi trường cho doanh nghiệp mà họ muốn gặp để trình bày nguyện vọng đầu tư thì lại khó khăn", ông Phong nói và nhận định những trở ngại này là vấn đề về bộ máy, về thủ tục hành chính cần được quan tâm xử lý.

Nhắc tới vấn đề giao thông, vị Chủ tịch lưu ý lãnh đạo ngành chú ý đến hai điểm nóng là sân bay Tân Sơn Nhất và khu vực cảng Cát Lái. “Nếu có đi đến khu vực sân bay Tân Sơn Nhất vào giờ cao điểm chiều thứ sáu thì sẽ bị khổ sở, bị stress vì kẹt xe quá nhiều. Khu vực cảng Cát Lái từ 18 giờ đến 22 giờ thì kẹt xe kéo dài, người dân phải tìm hẻm hóc để đi. Thời gian chúng ta chi cho những chỗ kẹt xe này rất lớn và lãng phí ghê gớm”, ông Phong nhận định.

Lãnh đạo thành phố cũng nhắc nhở các đơn vị đã không nêu được tiến độ cụ thể khi đánh giá những vấn đề nóng đang xử lý như chung cư cũ, di dời nhà ven sông, nhà dân bị biến thành hầm khi nâng đường… “Công trình chống ngập 10.000 tỷ khởi công cũng không nhắc tới tiến độ như thế nào. Đây là dự án trọng điểm, có ý nghĩa về cả kinh tế lẫn chính trị, cần phải giám sát chặt chẽ nếu không sẽ ảnh hưởng uy tín của thành phố, làm dân mất niềm tin”, ông Phong đặt vấn đề.

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng trước đó, ông Sử Ngọc Anh - Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư cho biết thành phố vẫn còn nhiều tồn tại như vốn đầu tư nước ngoài không cao so cùng kỳ mặc dù có tăng về số lượng dự án. Các đơn vị khắc phục các vị trí ảnh hưởng do thi công dự án và xử lý các điểm lấn chiếm kênh rạch, cửa xả có tiến độ chậm. Tình hình tội phạm hình sự trên địa bàn giảm nhưng tội phạm trộm tài sản thì chưa…

Giải thích thêm về tình hình này, ông Lê Đông Phong - Giám đốc Công an thành phố cho rằng vấn đề trộm cắp gia tăng trong thời gian vừa qua là do rơi vào mùa bóng đá, người dân đi du lịch nghỉ ngơi nên ý thức quản lý tài sản kém... Ông Lê Đông Phong cho rằng người phạm tội hình sự ngày càng có xu hướng trẻ hóa với độ tuổi dưới 30 chiếm 68%. Phạm pháp hình sự do cá nhân nhỏ lẻ chiếm 70%, chỉ khoảng 30% là tội phạm băng nhóm. Hiện thành phố chỉ mới kéo giảm vụ án hình sự về bề nổi, còn nguồn gốc sâu xa là vấn đề trách nhiệm quản lý cộng đồng, chưa có điều kiện thực hiện đánh giá để giải quyết nguồn gốc sâu xa.

Về vấn đề đô thị và giao thông, ông Lê Văn Khoa - Phó chủ tịch UBND TP cho biết sẽ thành lập các tổ công tác để giám sát các dự án chống ngập. Đối với dự án chống ngập đường Kinh Dương Vương, UBND đã có ý kiến hạ cao độ và bố trí trạm bơm để nhà dân không thấp sâu so với mặt đường. Vấn đề cải tạo đầu tư chung cư hư hỏng, thành phố sẽ chia thành những nhóm chung cư có thuận lợi và khó khăn để tạo sự cân bằng cho các doanh nghiệp đầu tư đồng bộ. Hiện, các nhà đầu tư chỉ quan tâm đến các dự án chung cư ở quận I và quận III trong khi các chung cư ở quận ven thì không lựa chọn.

Đối với vấn đề giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, ông Khoa cho biết Bộ Quốc phòng vừa có ý kiến là nếu dự án giao thông hợp lý và Thủ tướng chấp nhận thì sẵn sàng giao đất để kết nối một số tuyến giao thông khu vực sân bay như đường Phan Thúc Duyện, vốn đang bị ngắt một đoạn. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch TP HCM: Không để doanh nghiệp muốn gặp lãnh đạo lại phải 'lót tay'

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.