Chiều 6-11, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2021; kết quả thực hiện Nghị quyết số 31/2016/QH14 của Quốc hội về dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam cho biết, 9 tháng năm 2021, kinh tế – xã hội của tỉnh tiếp tục ổn định, một số lĩnh vực có chuyển biến tích cực trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức. GRDP tăng khá, đạt mức 9,45%, thuộc nhóm tăng trưởng cao nhất cả nước; sản xuất nông nghiệp tăng trưởng cao (7,61%). Nhóm ngành năng lượng tái tạo tiếp tục phát huy hiệu quả, tăng 58,5%, đóng góp lớn vào tăng trưởng chung của tỉnh; thu ngân sách nhà nước đạt 85,1% kế hoạch. Công tác an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng chính sách và hộ nghèo được thực hiện tốt hơn. Công tác quân sự, quốc phòng, an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 31/2016/QH14, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31-8-2018 về một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018-2023. Đây là những Nghị quyết có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh trên nhiều mặt.
Qua thời gian triển khai thực hiện Nghị quyết 31/2016/QH14 và Nghị quyết 115/NQ-CP, nguồn lực đầu tư được tăng cường. Các chủ trương, chính sách được tập trung chỉ đạo triển khai đạt kết quả bước đầu, nhất là chủ trương xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước đã thu hút được một số nhà đầu tư lớn, chiến lược, tập trung vào các lĩnh vực trọng điểm. Các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và các dự án động lực thay thế được nhận diện, đánh giá sâu hơn, thu hút được sự quan tâm và bước đầu khai thác hiệu quả, góp phần quan trọng thực hiện đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đề ra. Lĩnh vực kinh tế - xã hội có bước phát triển, tạo được sức bật mới, vị thế của tỉnh được nâng lên. Trong 2 năm 2019 - 2020, tỉnh thuộc nhóm địa phương có tốc độ tăng trưởng GRDP cao nhất cả nước (năm 2019 đạt 13,9%; năm 2020 đạt 10,02%); trong đó, lĩnh vực công nghiệp - xây dựng đóng góp gần 11% vào sự tăng trưởng chung, riêng năng lượng tái tạo đóng góp hơn 9%. Việc thu ngân sách về đích trước ba năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra, đời sống vật chất, tinh thần nhân dân các dân tộc trong tỉnh được nâng lên rõ rệt.
Tại cuộc làm việc, lãnh đạo Quốc hội, đại diện các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành và lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận đã trao đổi cụ thể về việc thực hiện Nghị quyết số 31/2016/QH14 của Quốc hội, Nghị quyết số 115/NQ-CP của Chính phủ và những vấn đề tỉnh kiến nghị.
Phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ rõ, Ninh Thuận là địa phương có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, thiếu nước, hạn hán, nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng còn hạn chế. Trước đây, khi chưa có Nghị quyết 31/2016/QH14 và Nghị quyết 115/NQ-CP, Ninh Thuận là tỉnh khó khăn, thu ngân sách thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao. Trong những năm qua, với sự quyết tâm, nỗ lực lớn của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Ninh Thuận, sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, tỉnh đã bước đầu giải quyết được một số khó khăn.
Nhắc lại việc ban hành Nghị quyết 31/2016/QH14, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ninh Thuận là tỉnh có xuất phát điểm thấp lại thêm quy hoạch điện hạt nhân chậm thực hiện trong một thời gian dài đã tác động đến việc phát triển kinh tế – xã hội, ảnh hưởng đến sinh kế của người dân. Từ tình hình đó, Trung ương đã có chủ trương dừng thực hiện điện hạt nhân. Đây là quyết định tính toán kỹ lưỡng, thể hiện quyết tâm cao của Trung ương. Ngay sau đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 31/2016/QH14 về dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Nghị quyết đã giao Chính phủ một số nội dung quan trọng, trong đó có việc ban hành chính sách, thể chế hỗ trợ Ninh Thuận trong quá trình thực hiện chủ trương này. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP. Sau khi có Nghị quyết 31/2016/QH14, Nghị quyết 115/NQ-CP, Tỉnh ủy Ninh Thuận đã ban hành chương trình hành động, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết với nhiều nhiệm vụ, giải pháp lớn cùng các nhiệm vụ cụ thể để tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện.
Nhờ vậy, trong 3 năm liên tục gần đây, Ninh Thuận đều có tốc độ tăng trưởng kinh tế thuộc nhóm cao nhất cả nước; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn hơn 4%; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Công tác phòng, chống dịch Covid-19 đạt kết quả tích cực, với hơn 90% dân số đã được tiêm vắc xin ngừa Covid-19, cơ bản kiểm soát được dịch trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội đánh giá, quy mô kinh tế của tỉnh còn nhỏ, chưa phát huy hết hiệu quả đầu tư. Khoảng cách chênh lệch giữa các vùng, miền còn lớn, tỷ lệ hộ nghèo cao hơn so với bình quân của cả nước, nhất là vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Khu vực doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn...
Để tiếp tục phát huy thành quả đạt được thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ninh Thuận nghiên cứu kỹ các báo cáo của các bộ, cơ quan. Ngoài ra, tỉnh cần quan tâm tiếp tục triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với chương trình thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng dụng công nghệ cao; tiếp tục phát huy hiệu quả công trình thủy lợi, hỗ trợ, chế biến bảo quản nông sản, hỗ trợ ngư dân, nhất là khai thác vùng biển xa; tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp và xây dựng, nhất là công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ; đẩy nhanh tiến độ triển khai hạ tầng các khu công nghiệp, thực hiện tốt công tác quy hoạch, tập trung phát triển các đô thị ven biển.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Ninh Thuận tiếp tục duy trì các động lực tăng trưởng, nhất là khắc phục những khâu yếu như giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA, có chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, tiết kiệm khoản chi thường xuyên; quan tâm đến công tác quy hoạch. Tỉnh cần tiếp tục phát huy bảo tồn văn hóa truyền thống, các hoạt động của đồng bào dân tộc thiểu số; nghiên cứu dạy học an toàn để phù hợp với tình hình dịch bệnh, triển khai hiệu quả các Chương trình Mục tiêu quốc gia, chú trọng an sinh xã hội; thu hẹp khoảng cách phát triển; quan tâm đến liên kết kinh tế vùng, phát triển du lịch.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 31/2016/QH14 của Quốc hội; giao cho Ủy ban Kinh tế chủ trì, phối hợp với Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, các cơ quan và địa phương nhằm đánh giá căn cơ hơn những kết quả đạt được, những tồn tại, khó khăn và những vấn đề đang đặt ra.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí đề nghị Chính phủ nghiên cứu để gia hạn thời hạn áp dụng biểu giá điện gió, nhất là với các dự án đã làm xong nhưng chưa vận hành được do tác động của dịch Covid-19. Đây là một trong những giải pháp để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan sớm ban hành cơ chế, chính sách để đấu thầu lựa chọn dự án, chủ đầu tư trong dự án điện mặt trời.
Liên quan đến nhóm chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết 31/2016/QH14 của Quốc hội và Nghị quyết 115/NQ-CP của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành xem xét cho phép Ninh Thuận được áp dụng tỷ lệ vay lại 10% đối với các dự án đầu tư mới sử dụng vốn ODA có tầm quan trọng, cấp bách theo đúng tinh thần Nghị quyết 115/NQ-CP, trước mắt, có thể áp dụng đến năm 2023, khi sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 31/2016/QH14 của Quốc hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.