Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khai mạc Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021

Tiến Thành| 05/12/2021 12:00

(HNMO) - Sáng 5-12, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức “Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và phát triển bền vững”. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì diễn đàn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc diễn đàn.

Dự diễn đàn có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương - Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng. Cùng dự còn có Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; các Phó Chủ tịch Quốc hội; lãnh đạo Đảng, Quốc hội; lãnh đạo bộ, ngành, địa phương; các chuyên gia kinh tế, đại diện các doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học, nhà kinh tế.

Lãnh đạo thành phố Hà Nội tham dự diễn đàn có đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố.

Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến các điểm cầu trong và ngoài nước.

Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia Cấn Văn Lực phát biểu tại diễn đàn.

Tìm kiếm không gian, dư địa ngoài khung khổ Quốc hội đã quyết định

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, 2 năm qua, dịch bệnh Covid-19 đã gây ra thiệt hại nặng nề về kinh tế, xã hội trên phạm vi toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Để đối phó với dịch bệnh, khắc phục những thiệt hại và tác động của đại dịch, Việt Nam đã sử dụng linh hoạt và khá đồng bộ các chính sách về tài khóa, tiền tệ cũng như các chính sách vĩ mô khác nhằm khắc phục thiệt hại và hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, tại diễn đàn, các diễn giả, các nhà khoa học sẽ cập nhật, đánh giá những vấn đề mới nhất về tình hình phòng, chống dịch bệnh hiện nay trên toàn thế giới; phân tích, đánh giá, dự báo xu hướng và tác động của dịch bệnh, thực trạng của nền kinh tế thế giới hiện nay, xu hướng của thời gian tới - giai đoạn toàn cầu hóa và hội nhập, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập rất sâu và rộng với nền kinh tế thế giới.

Đồng thời, các diễn giả sẽ chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về phòng, chống dịch bệnh và phục hồi phát triển kinh tế cũng như những gợi ý chính sách, những ý kiến đánh giá thực trạng nền kinh tế Việt Nam, những kiến nghị đề xuất cho chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, các gợi ý chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, nguồn lực ra sao để hỗ trợ cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

“Chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh thêm, những giải pháp chính sách tài chính, tiền tệ và đề xuất trong diễn đàn này là ngoài khung khổ chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa mà Quốc hội đã quyết định. Có nghĩa đây là những khung khổ tài chính và tiền tệ bổ sung”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý.

Các đại biểu tại phiên tọa đàm cấp cao.

Các gói hỗ trợ tài khóa là hết sức cần thiết

Ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, diễn đàn đã tiến hành phiên họp toàn thể với sự tham gia thảo luận của các chuyên gia kinh tế. Gợi ý chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, nếu không có chương trình, gói hỗ trợ đặc biệt cả về tài khóa và tiền tệ thì sẽ bị lỡ nhịp, điều đó đồng nghĩa triển vọng năm 2022 sẽ chỉ tăng trưởng trong khoảng 4-4,5%.

Tổng thể các gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội và các chính sách khác vào khoảng 844 nghìn tỷ đồng về danh nghĩa, còn về thực chi vào khoảng 445 nghìn tỷ đồng, tương đương 5,12% GDP. Để huy động nguồn lực cho gói hỗ trợ này, có thể huy động từ việc tiết giảm chi phí (khoảng 29 nghìn tỷ đồng); thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn (80 nghìn tỷ đồng); cho phép bảo hiểm tiền gửi, bảo hiểm xã hội dùng tiền nhàn rỗi để mua trái phiếu chính phủ (hơn 51 nghìn tỷ đồng); phát hành trái phiếu chính phủ mà Ngân hàng Nhà nước có thể mua (hơn 220 nghìn tỷ đồng); rà soát các quỹ ngoài ngân sách (20 nghìn tỷ đồng); sử dụng một phần dự trữ ngoại hối nếu cần (45.400 tỷ đồng). Như vậy, có thể huy động được khoảng 445 nghìn tỷ đồng, tương đương hơn 5% cho 2 năm tới.

Từ kinh nghiệm của các nước châu Á trong việc thực hiện các biện pháp tài khóa ứng phó với đại dịch Covid-19, Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB Nguyễn Minh Cường nhận định, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; dư địa tài khóa được củng cố trong các năm gần đây, an toàn nợ công vẫn được bảo đảm, trong ngắn hạn Việt Nam có thể chấp nhận nợ công tăng trong giai đoạn 2021-2023 để hỗ trợ nền kinh tế. Các gói hỗ trợ tài khóa là hết sức cần thiết trong giai đoạn nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch và cũng không kém phần quan trọng khi nền kinh tế bước sang giai đoạn chuyển tiếp hướng tới phục hồi.

Quang cảnh diễn đàn.

Gói hỗ trợ tạo ra cú hích và tạo sự thay đổi cho nền kinh tế

Sau đó, tại phiên tọa đàm cấp cao trong khuôn khổ “Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và phát triển bền vững”, chia sẻ về cách tiếp cận của Quốc hội về phục hồi, phát triển kinh tế, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Nghị quyết kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV vừa qua, Quốc hội đã đề nghị Chính phủ ngay trong năm 2021 phải đề xuất ban hành chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có gói hỗ trợ tài khóa thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội.

Khái quát gói hỗ trợ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết cần tập trung cả phía cung và phía cầu, phối hợp hài hòa hiệu quả các chính sách vĩ mô, đủ lớn và có trọng tâm để tạo ra cú hích và tạo sự thay đổi cho nền kinh tế nhưng tránh nguy cơ có thể gây lãng phí.

“Gói này phải khả thi và phải thực thi nhanh, tập trung vào các ngành lĩnh vực có khả năng hấp thụ nhanh, an toàn”, đồng chí Vũ Hồng Thanh nêu rõ. Về thời gian, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết đề xuất gói này thực hiện trong hai năm, trong đó năm 2022 là để phục hồi kinh tế và năm 2023 để kích thích phát triển. 

Cho biết do ảnh hưởng của dịch bệnh, năm 2020 và dự kiến năm 2021 Việt Nam thiệt hại về giá trị kinh tế tính theo giá hiện hành khoảng 847 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 37 tỷ USD), Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong nhận định, động lực khôi phục tăng trưởng chính của nền kinh tế hiện nay là đầu tư để vừa tăng cầu vừa tăng sản lượng tiềm năng, mở rộng khả năng cung ứng; đẩy mạnh tiêu dùng trong nước; mở rộng đầu tư, ứng dụng công nghệ số để đổi mới cách thức sản xuất cũng như tiêu dùng và đầu tư hiệu quả.

Các đại biểu trao đổi bên lề diễn đàn.

“Đầu tư là điều kiện cần, xuất khẩu là điều kiện đủ, tiêu dùng nội địa là yếu tố tăng thêm, chuyển đổi số là yếu tố thời đại…”, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Đồng chí Nguyễn Thành Phong cũng cho rằng, khai thác thị trường trong nước cần chú trọng khía cạnh sản xuất hàng tiêu dùng thay thế hàng nhập khẩu; đồng thời xuất khẩu và đầu tư nước ngoài sẽ “neo giữ” kỳ vọng và niềm tin của nhà đầu tư trong nước.

Buổi chiều, “Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và phát triển bền vững” tiếp tục thảo luận về chuyên đề “Phối hợp các chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi kinh tế” và chuyên đề “Bảo đảm an sinh xã hội và nguồn cung lao động trong quá trình phục hồi kinh tế”. Sau đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ phát biểu bế mạc diễn đàn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khai mạc Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.