Theo đặc phái viên TTXVN, đúng 10h ngày 21-9 (giờ địa phương - tức 11h, giờ Việt Nam), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã đến sân bay quốc tế Hazrat Shahjalal, thủ đô Dhaka, bắt đầu thăm chính thức CHND Bangladesh theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Shirin Sharmin Chaudhury.
Đón Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn tại sân bay có nghị sĩ - hàm Bộ trưởng Iqbalur Rahim, Tổng Thư ký Quốc hội Bangladesh K.M. Abdus Salam… Đại sứ Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường, cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh nồng nhiệt chào mừng đoàn.
Việt Nam và Bangladesh thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 11-2-1973. Quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt giữa hai nước không ngừng phát triển, quan hệ chính trị được tăng cường.
Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ diễn ra trong bối cảnh sau 5 năm kể từ chuyến thăm Bangladesh của Chủ tịch nước (2018) và 6 năm Chủ tịch Quốc hội Bangladesh thăm Việt Nam (2017), hai nước chưa trao đổi đoàn lãnh đạo cấp cao. Dự kiến trong chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ thay mặt lãnh đạo cấp cao nước ta cùng lãnh đạo cấp cao của Bangladesh kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước (1973-2023).
Trong chuyến thăm, sẽ diễn ra các cuộc hội đàm, hội kiến giữa Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các nhà lãnh đạo cấp cao của Bangladesh. Chủ tịch Quốc hội sẽ thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam trao đổi các biện pháp nhằm củng cố, thúc đẩy và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác hiệu quả, thực chất giữa hai nước trên cả kênh Đảng, Quốc hội, Chính phủ và giao lưu nhân dân.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội sẽ tham dự một số hoạt động văn hóa, kinh tế, đối ngoại, gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Bangladesh.
Bangladesh hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam ở khu vực Nam Á. Thương mại hai chiều tăng 4 lần trong vòng 10 năm, từ 350 triệu USD năm 2012 đến xấp xỉ 1,5 tỷ USD năm 2022, vượt chỉ tiêu đề ra năm 2017 và hướng đến mục tiêu 2 tỷ USD. Bangladesh là thị trường tiềm năng với gần 170 triệu dân, có sức tiêu thụ lớn và có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam. Bangladesh hiện có 18 dự án đầu tư tại Việt Nam…
Hai nước có sự trao đổi, hợp tác khá chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế, nhất là tại Liên hợp quốc. Cả Việt Nam và Bangladesh đều trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.