Ngày 26-4, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì buổi làm việc với Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội; Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
Buổi sáng, cùng tham dự cuộc họp với Ủy ban về các vấn đề xã hội có: Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh…
Sau khi nghe các ý kiến trao đổi, thảo luận, phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá Thường trực Ủy ban đã chuẩn bị báo cáo nghiêm túc, toàn diện. Thường trực Ủy ban ghi nhận những kết quả đạt được, nêu nguyên nhân và giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế, những mặt hoạt động mong muốn sẽ được làm tốt hơn.
Lãnh đạo Quốc hội đánh giá rất cao hoạt động của Ủy ban Về các vấn đề xã hội trong các nhiệm kỳ Quốc hội, trong đó có khóa XIV. Ủy ban đã có nhiều sáng kiến, đổi mới trong hoạt động, là một trong số ít cơ quan của Quốc hội đã thực hiện được quyền sáng kiến lập pháp; việc thẩm tra các dự luật được tiến hành khá căn cơ, thể hiện ở việc các luật do Ủy ban chủ trì thẩm tra, tiếp thu chỉnh lý đều đi vào cuộc sống; đi đầu trong việc tổ chức hoạt động giải trình, tham vấn công chúng và tổ chức khá thường xuyên các hoạt động này…
Cơ bản nhất trí với các định hướng hoạt động trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội cho rằng các lĩnh vực phụ trách của Ủy ban có tính gắn bó với nhau và lan tỏa nhanh. Khẳng định quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế, xã hội là trung tâm, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội…, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban không chỉ quan tâm đến các vấn đề xã hội thuộc lĩnh vực phụ trách mà còn phải hết sức quan tâm đến khía cạnh xã hội trong các vấn đề kinh tế và tính kinh tế trong các vấn đề xã hội.
Cùng với đó, Ủy ban chủ động rà soát khuôn khổ pháp lý về tổ chức, hoạt động của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất; chủ động xây dựng đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ủy ban trên tất cả các mặt công tác lập pháp, giám sát và tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia…
Ủy ban cần bám sát các nội dung về quản lý, phát triển xã hội bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội đã được nêu rất đầy đủ, toàn diện tại Nghị quyết Đại hội XIII và các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng; các Nghị quyết chuyên đề của Trung ương về chăm sóc sức khỏe nhân dân, dân số… Từ đó, Ủy ban có những định hướng dài hạn trong công tác xây dựng pháp luật, để Quốc hội ngày càng chủ động hơn trong việc thực hiện vai trò lập pháp.
*Chiều cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã làm việc với Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
Cùng tham dự có: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng…
Phát biểu ý kiến tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội cho rằng trong thành công rất lớn của Quốc hội khóa XIV có vai trò, đóng góp rất lớn của Ủy ban Pháp luật. Với khối lượng công việc nhiều, Ủy ban đã có nhiều đổi mới, với cách làm hay, nội bộ đoàn kết, thống nhất. Ủy ban làm rất tốt nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, Nghị quyết 19-NQ/TW về sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn và phát huy hiệu quả.
Tại cuộc họp, các đại biểu phát biểu về một số đề án; trong trường hợp cần thiết, đề xuất sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nội quy kỳ họp Quốc hội, trong đó bổ sung hình thức họp trực tuyến…
Ủy ban Pháp luật chủ động nghiên cứu để giúp Đảng đoàn Quốc hội tham gia xây dựng đề án trình Trung ương về việc tiếp tục xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, trong đó có chiến lược xây dựng pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp; trọng tâm của Ủy ban Pháp luật là Chiến lược xây dựng pháp luật…
Phát biểu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh về sự cần thiết có chiến lược định hướng dài hạn trong việc xây dựng pháp luật nói chung để bảo đảm tính chủ động, vai trò dẫn dắt của Quốc hội trong hoạt động lập pháp, cũng như bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật. Trong đó, Chủ tịch Quốc hội nhất trí với các đề xuất về việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương xây dựng pháp luật, chỉ đưa vào chương trình xem xét những dự án luật, pháp lệnh đủ điều kiện.
Về đề án rà soát pháp luật hiện hành, phát hiện chồng chéo, mâu thuẫn, kiến nghị giải pháp khắc phục, trước mắt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Ủy ban Pháp luật rà soát pháp luật hiện hành tập trung vào lĩnh vực đầu tư, kinh doanh; phối hợp cùng Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội để cùng Chính phủ xem xét, điều chỉnh một số luật nếu thấy cần thiết.
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ mong muốn, Ủy ban Pháp luật cũng như các cơ quan của Quốc hội sẽ giúp Quốc hội tăng cường quan hệ với các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước, vì theo quy định thì một trong những yếu tố đo lường chất lượng hoạt động của Quốc hội là công tác phối hợp giữa Quốc hội với các cơ quan.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.