Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Vương quốc Campuchia, sáng 22-12, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Khmer gốc Việt đang đầu tư và kinh doanh tại Campuchia.
Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, phát biểu tại cuộc gặp, Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng cho rằng đây là dịp quan trọng để Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lắng nghe những tiếng nói, tâm tư và các kiến nghị/đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Khmer gốc Việt đã có kinh nghiệm nhiều năm kinh doanh tại thị trường đất nước Chùa tháp.
Thay mặt cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia (VBCC), ông Nguyễn Thanh Dũng gửi lời cảm ơn về sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và Nhà nước đến cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là trong gần hai năm khủng hoảng đại dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ đến hoạt động của các công ty, kinh tế - xã hội Campuchia.
Tại cuộc trao đổi, phần lớn các doanh nghiệp đều lo lắng về tình trạng lao động/nhân sự biết tiếng Việt trong hầu hết các lĩnh vực kinh doanh, đặc biệt là khu vực tài chính - ngân hàng - viễn thông đang có xu hướng giảm dần. Các doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia đề xuất Nhà nước, Chính phủ sớm có chỉ đạo tăng cường hỗ trợ học bổng cho sinh viên Campuchia du học tại Việt Nam, tạo điều kiện về nguồn nhân lực cho các đơn vị, đào tạo tay nghề, cũng như góp phần truyền bá, gắn kết văn hóa Việt Nam - Campuchia.
Ngoài những khó khăn về ưu đãi vốn vay, lãi suất cho các đơn vị đang đầu tư tại Campuchia, các doanh nghiệp đều đồng tình về việc cần có những chính sách đặc thù hỗ trợ cho những công ty Việt Nam đầu tư tại Campuchia, đặc biệt là trong những lĩnh vực có ý nghĩa thực chất trong quan hệ Việt Nam - Campuchia như nông nghiệp, trồng cây công nghiệp và nuôi trồng thủy sản.
Liên quan đến Pháp lệnh ngoại hối năm 2005, Tổng Giám đốc Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển Campuchia (BIDC), ông Lâm Văn Hải đề xuất chính phủ nghiên cứu, hướng dẫn quy trình thủ tục để các doanh nghiệp trong nước có thể thực hiện bảo lãnh (bằng uy tín hoặc tài sản) cho người không cư trú hoạt động tại nước ngoài.
Trong khoảng 10 năm qua, rất nhiều doanh nghiệp như Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) hay Thagrico đã chứng tỏ hiệu quả và những đóng góp đáng kể cho nền kinh tế Campuchia tại những khu vực trồng cây cao su, cây ăn trái, tạo ra hàng nghìn công ăn việc làm cho người dân địa phương, cũng như hỗ trợ đắc lực cho việc di dời và chuyển đổi nghề nghiệp của người Campuchia gốc Việt.
Những kết quả này có được là nhờ chính sách thúc đẩy đầu tư của Việt Nam vào Campuchia từ nhiều năm qua. Trong thời gian tới, với xác định Campuchia tiếp tục là địa bàn trọng điểm, chiến lược, cộng đồng doanh nghiệp đề xuất chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng và ban hành Chiến lược Đầu tư - hợp tác kinh tế Việt Nam Campuchia 5 năm và định hướng 10 năm.
Ghi nhận những kiến nghị của doanh nghiệp và phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc biểu dương tinh thần vượt khó của các doanh nghiệp, đặc biệt là trong năm xảy ra đại dịch Covid-19, đánh giá cao vai trò của thị trường Campuchia, cụ thể là trong lĩnh vực nông sản.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao xu hướng đầu tư mới của Việt Nam tập trung vào những lĩnh vực bền vững như trồng cây ăn trái xuất khẩu, năng lượng sạch. Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam cần nâng cao quy mô và chất lượng đầu tư tại Campuchia, thúc đẩy một làn sóng đầu tư mới vào Campuchia, đặc biệt trong các lĩnh vực còn tiềm năng như bất động sản, xây dựng, nông nghiệp, bán lẻ, du lịch, giải trí…
Cũng trong chiều 22-12, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn Cấp cao Việt Nam đã tới Sân bay quốc tế Phnom Penh, lên đường về nước, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà nước tới Vương quốc Campuchia theo lời mời của Quốc vương Campuchia Preah Bat Samdech Preah Boromneath Norodom Sihamoni.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.